Đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập đơn vị, 20 năm đón dòng khí đầu tiên vào bờ, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã hướng đến tương lai bằng một việc làm cụ thể, là tổng hợp của rất nhiều tâm huyết, trải qua thời gian dài miệt mài nghiên cứu, cân nhắc và tính toán, chỉnh sửa để hoàn thiện. Dự thảo Báo cáo “Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của PV GAS” đã được PV GAS trình xin ý kiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Với bản dự thảo Chiến lược này, có thể hình dung những nét chung nhất về định hướng phát triển trong giai đoạn tới của PV GAS – doanh nghiệp đầu tàu của ngành Công nghiệp Khí Việt Nam.
Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) vừa hoàn thành một chặng đường đáng ghi nhận, thực hiện tốt mục tiêu chiến lược phát triển đến năm 2015 - định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của Tập thể Lãnh đạo và người lao động PV GAS, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). PV GAS đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận như sau:
- Đảm bảo phát triển vững mạnh, an toàn, chất lượng, hiệu quả, hiện đại, hoạt động hoàn chỉnh trong tất cả các khâu: thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, kinh doanh khí và các sản phẩm khí; giữ vững vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí trên toàn quốc; tham gia tích cực và khẳng định uy tín trên thị trường kinh doanh sản phẩm khí quốc tế.
- Tốc độ tăng trưởng doanh thu, nghĩa vụ nộp Ngân sách được hoàn thành, cũng như đạt hiệu quả cao trong hoạt động của PV GAS:
Giai đoạn 2007-2010: Tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 35%/năm (Chiến lược được phê duyệt là 15%/năm). Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/Vốn điều lệ trung bình 73%/năm.
Giai đoạn 2011 – 2015: Tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 8%/năm. Tổng doanh thu đạt 107%, tổng lợi nhuận đạt 126%, nộp Ngân sách đạt 132% so với Kế hoạch đề ra. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/Vốn điều lệ trung bình 56%/năm.
- Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM đến nay, với số vốn hóa khoảng 5 tỷ USD, GAS đã và đang là mã chứng khoán hàng đầu dẫn dắt thị trường chứng khoán cả nước. Lợi ích mang lại cho các cổ đông vượt kỳ vọng với tổng cổ tức thực hiện 5 năm 2011 - 2015 ước đạt 154% vốn điều lệ.
- Là một trong những đơn vị dẫn đầu về doanh thu và lợi nhuận trong Tập đoàn; thuộc danh sách 50 công ty giá trị nhất Đông Nam Á (tạp chí Nikkei Asian Review đánh giá), đứng trong Top 2000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới năm 2014, dẫn đầu danh sách “50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2015”(Forbes bình chọn), đóng góp đáng kể vào Ngân sách Nhà nước (Top 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam).
- Tham gia tích cực vào thị trường khí quốc tế, là bạn hàng/đối tác tin cậy của các doanh nghiệp ngành khí lớn mạnh trên thế giới như Gazprom (Nga), Adnoc (UAE), Astomos (Nhật Bản) …
Bên cạnh đó, thực hiện theo đúng Chiến lược, Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Khí đã được phê duyệt, PV GAS đã tích cực, quyết liệt triển khai các dự án khí bám sát tiến độ, đưa hàng loạt dự án quan trọng vào hoạt động, đảm bảo đồng bộ với các dự án khai thác khí ngoài khơi và tiêu thụ khí. Toàn PV GAS ước thực hiện giải ngân cho công tác đầu tư giai đoạn 2006 – 2010 đạt trên 16 ngàn tỷ đồng; giai đoạn 2011 – 2015 đạt 29 ngàn tỷ đồng. Với việc quyết liệt trong đầu tư, đến nay, PV GAS đã tạo được cơ sở hạ tầng công nghiệp Khí tương đối hoàn chỉnh, tăng tính chủ động trong hoạt động sản xuất và kinh doanh khí, qui mô, giá trị tài sản cũng như vị thế không ngừng được nâng lên. Hiện giá trị tài sản của PV GAS khoảng 53.000 tỷ đồng, bằng 1,3 lần năm 2010 và 5,6 lần năm 2006.
Bước vào năm 2015, PV GAS đã chuẩn bị và xây dựng Chiến lược cho giai đoạn tiếp theo - Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 với quan điểm phát triển “Tiếp tục vai trò và sứ mệnh phát triển ngành Công nghiệp Khí thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, với hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp khí an toàn, hiện đại trên phạm vi toàn quốc, cấp đủ khí cho các hộ tiêu thụ để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực, bảo vệ môi trường, tài nguyên, giữ vững an ninh quốc phòng quốc gia. Phát triển PV GAS trên nguyên tắc không ngừng hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả và bền vững trên công nghệ tiên tiến, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, cổ đông, người lao động, đối tác và cộng đồng xã hội, trong đó An toàn và Hiệu quả là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển; chú trọng chế biến sâu, đa dạng hóa nguồn khí, đa dạng hóa sản phẩm, lấy trọng tâm là sản xuất - nhập khẩu – kinh doanh khí, sản phẩm khí và dịch vụ khí liên quan; phát huy tối đa nội lực đồng thời tranh thủ tận dụng các nguồn lực bên ngoài và tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển PV GAS ngày càng lớn mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế; coi con người là yếu tố then chốt, hình thành đội ngũ CBCNV có trình độ, tác phong công nghiệp, kỷ luật nghiêm ngặt; xây dựng và phát triển thương hiệu PETROVIETNAM GAS uy tín, chất lượng và phổ biến”.
Phấn đấu đến năm 2025, PV GAS sẽ vươn lên hàng thứ 4 khu vực ASEAN về sản lượng khí kinh doanh hàng năm và có tên trong các Doanh nghiệp Khí mạnh của châu Á; tổng tài sản đạt khoảng 128.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015 (năm 2020 gấp 2 lần năm 2015); tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 8%/năm, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ trung bình trên 20%/năm; duy trì 100% thị phần khí khô, 70% thị phần LPG toàn quốc; cơ cấu sản phẩm theo doanh thu như sau: khí và LNG chiếm 61%, sản phẩm khí 27%, dịch vụ khí 12%.
Về khai thác, thu gom khí, PV GAS phấn đấu tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động thu gom khí, tham gia hoạt động thượng nguồn trong và ngoài nước để chủ động nguồn khí cung cấp cũng như nâng cao vị thế của PV GAS. Phấn đấu tổng sản lượng khí thu gom trong nước giai đoạn 2016 – 2035 đạt gần 300 tỷ m3 khí (giai đoạn 2016 – 2020 đạt gần 60 tỷ m3); sẵn sàng phương án gia tăng sản lượng thu gom trong nước. Mục tiêu từ năm 2017 gia tăng sản lượng thêm khoảng 0,2 – 1,5 tỷ m3/năm tùy thuộc kết quả tìm kiếm thăm dò các nguồn khí. Bên cạnh đó, PV GAS đề ra kế hoạch tham gia hoạt động đầu tư thượng nguồn trong nước từ năm 2016, ở nước ngoài từ năm 2020; phấn đấu năm 2025 bắt đầu có sản lượng khí/LNG từ nước ngoài, sẽ đạt sản lượng 5 - 10 tỷ m3/năm từ 2030.
PV GAS sẽ tiếp tục xây dựng, vận hành và kinh doanh đồng bộ, an toàn, hiệu quả, tối ưu các hệ thống khí trên toàn quốc, xây dựng đường ống kết nối các khu vực, từng bước hình thành hệ thống khí quốc gia. Toàn bộ nguồn khí vào bờ đều được đưa qua các nhà máy chế biến khí, tách riêng Methane (CH4) cấp cho hộ tiêu thụ bằng đường ống, gia tăng sản lượng các sản phẩm khí; tăng cường chế biến sâu khí và sản phẩm khí. Đồng thời, PV GAS cũng sẽ nhanh chóng triển khai đầu tư nhằm mục tiêu nhập khẩu LNG từ năm 2021, đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. PV GAS đặt mục tiêu phát triển thị trường tiêu thụ khí/LNG đạt quy mô 18 - 24 tỷ m3 từ năm 2025 (giai đoạn 2016 – 2020 là 10 – 13 tỷ m3/năm); sản xuất LPG đạt 600 – 1 triệu tấn/năm và condensate đạt 75 – 331 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, PV GAS cũng chủ trương đa dạng hóa sản phẩm . Bên cạnh chú trọng các sản phẩm chính (khí, LNG, LPG, Condensate, Ethane), PV GAS sẽ tích cực phát triển rộng rãi các sản phẩm CNG, Gas City, Autogas, ES (dịch vụ tiết kiệm năng lượng); tham gia đầu tư sản xuất, cung cấp Amoniac, Methanol, DME, Propylene, PP ....; nghiên cứu, đầu tư sử dụng khí than (CBM), khí hydrat, khí từ các tầng đá sét (khí phiến sét - shale gas), CO2 (từ các nguồn khí có hàm lượng CO2 cao).... Duy trì và giữ vững trên 70 % thị phần LPG toàn quốc, tham gia mạnh thị trường quốc tế trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả.
Nhận định về Chiến lược phát triển ngành Khí, ông Dương Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc PV GAS đã đánh giá: “Đây sẽ không phải là một chặng đường dễ dàng và thuận lợi. Nền công nghiệp khí non trẻ của Việt Nam chịu tác động nhiều chiều. Trên thế giới, dự báo kinh tế phục hồi và tăng trưởng sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tốc độ chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước, nền kinh tế Việt Nam tuy có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt diễn biến ở Biển Đông có thể tác động tới sự phát triển kinh tế đất nước và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sau 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước đã mạnh hơn, quy mô tiềm lực kinh tế đất nước đã được nâng cao hơn trước. Qui hoạch ngành khí đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 và Mô hình ngành công nghiệp khí được phê duyệt trong năm 2015. Sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của các bộ, ngành, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã và đang tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, hỗ trợ không ngừng để PV GAS triển khai phát triển ngành công nghiệp khí. Với PV GAS, sự phát triển liên tục , đạt hiệu quả cao từ khi thành lập đến nay đang tạo niềm tin trong việc thu hút lao động giỏi và các nhà đầu tư. Đây sẽ là những động lực, cũng như những thử thách mà PV GAS sẽ tranh thủ và vững vàng vượt qua để đạt được các mục tiêu đề ra. Điều quan trọng là PV GAS quyết tâm thực hiện, và nhất định sẽ thực hiện thành công Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020”.
Nguồn: PVGAS