Tin tức doanh nghiệp

Trang chủ » » Sáng tạo – đòn bẩy để thành công...

Sáng tạo – đòn bẩy để thành công...

29/07/2015

Hội nghị Vietnam CEO Summit 2013, diễn ra ngày 23/8 tại TP.HCM với...

Hội nghị Vietnam CEO Summit 2013, diễn ra ngày 23/8 tại TP.HCM với chủ đề “Kinh tế sáng tạo: Đổi mới để thành công” là sự kiện đẳng cấp, kết nối các lãnh đạo doanh nghiệp quyền lực nhất Việt Nam (thuộc ba bảng xếp hạng VNR500, FAST500 và V1000), các học giả trong và ngoài nước.

Chương trình có sự tham dự của các diễn giả nổi tiếng, cùng sự có mặt của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam (thuộc ba Bảng xếp hạng VNR500, Fast500 và V1000).

Đối mặt nhiều khó khăn

1. Các học giả và doanh nghiệp tham dự hội nghị đã nhất trí cho rằng sáng tạo và đổi mới đang là một xu hướng không thể đảo ngược trong hoạt động kinh doanh toàn cầu và Việt Nam. Sức sinh lời của tiền vốn, máy móc hay cơ bắp là hữu hạn, nhưng giá trị của trí tuệ, của sáng tạo vô cùng to lớn, nó tạo sự đột phá và quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thành viên Hội đồng cố vấn toàn cầu Trường kinh doanh Harvard, Tổng biên tập Diễn đàn Toàn cầu Boston, đã đến lúc doanh nghiệp và nền kinh tế cần tiếp cận mạnh mẽ và toàn diện hơn những luồng ý tưởng hàng đầu về xu thế đổi mới, sáng tạo kinh doanh trên thế giới và cùng nhau chia sẻ những thực tiễn áp dụng tại Việt Nam. Từ đó, tạo động lực và sức bật mới cho nền kinh tế.

{keywords}

2. Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nghiên cứu về các kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam, Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey nhận xét, để tiếp tục duy trì thành tích ấn tượng như những năm qua, Việt Nam cần tăng 50% tốc độ tăng năng suất lao động do nguồn cung giảm mạnh, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đô thị hóa đang chậm lại. Đây là kịch bản được đánh giá không mấy dễ dàng cho Việt Nam.

3. Các trình bày tại Hội nghị tiếp tục cho thấy một tâm lý bi quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn nếu việc tái cơ cấu không quyết liệt hơn. Những vấn đề ngày càng lộ rõ như: nợ xấu cao và tới năm 2016 mới trở lại mức trung bình (theo dự báo của Viện McKinsey); sức khỏe của hệ thống ngân hàng: rủi ro thanh khoản, thiếu minh bạch và năng lực quản trị rủi ro; FDI đình trệ/chậm lạị và liên tục giảm cam kết FDI, trong khi ngành chế biến chế tạo lại được chú trọng đầu tư đòi hỏi phải tập trung vào huy động các đòn bẩy năng suất mới; DNNN hoạt động kém hiệu quả, và sau cùng là sự yếu kém của tài chính công: sự bất ổn bội chi ngân sách công và tình trạng không ổn định về sức khỏe tài chính của nhóm DNNN.

Sáng tạo mang lại khả năng cạnh tranh

4. Đổi mới là nhu cầu cấp thiết với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Đổi mới không chỉ ở sản phẩm, doanh nghiệp cần phải tạo ra sự khác biệt dựa trên đổi mới trong công nghệ, trải nghiệm khách hàng, hệ thống và quá trình, mô hình kinh doanh, dịch vụ, chuỗi và kênh phân phối. Chiến lược đổi mới là yếu tố quyết định cho việc thực hiện thành công mục tiêu của doanh nghiệp, đòi hỏi sự kết hợp của tất cả các yếu tố và thành phần trong tổ chức, bao gồm CEO, CFO, CTO, COO và bộ phận R&D.

Theo đánh giá của ông Michael Thomas Szczepanski – Giám đốc khối dịch vụ tư vấn của PwC, tiềm năng lợi nhuận từ nỗ lực tập trung cho sự phát triển và đổi mới của các doanh nghiệp Việt là những đột phá về hoạt động được dự đoán như sau: doanh thu sản phẩm mới tăng 20-40%, thời gian tiếp thị nhanh hơn 40-60%, chi tiêu lãng phí giảm từ 50-80%, hiệu suất R&D tăng 25-30%, và năng suất dự án tăng 40-100%.

{keywords}

GS.TS. Frank Go, Trường Đại học Erasmus, Hà Lan

5. Thống kê từ khảo sát toàn cầu của PwC về những yếu tố quyết định sự thành công của đổi mới và sáng tạo tại một doanh nghiệp chỉ ra rằng, đổi mới chắc chắn phải nằm trong chương trình hành động của CEO, nhưng đồng thời nhiệm vụ này còn đòi hỏi nỗ lực của cả tổ chức. Khảo sát này nhấn mạnh rằng doanh nghiệp đổi mới cần chú trọng chủ yếu vào nguồn lực con người, mà khởi đầu từ lãnh đạo tới đội ngũ nhân viên để có thể đưa ra chiến lược cũng như thực hiện đổi mới hiệu quả. Các nhân tố được nhiều người đánh giá là quan trọng nhất được lựa chọn bao gồm: có văn hóa thích hợp để thúc đẩy và hỗ trợ đổi mới như quy trình/quản lý hỗ trợ (57%), lãnh đạo kinh doanh biết nhìn xa trông rộng (44%), và sẵn sàng thay đổi các quy chuẩn tổ chức và chấp nhận rủi ro (37%).

6. Nhân sự được đánh giá là yếu tố cần thiết góp phần tạo nên sự đổi mới của doanh nghiệp. Thách thức lớn nhất trong tuyển dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là cần lưu ý nhiều hơn tới hoạt động “truyền thông tuyển dụng” để nâng cao hình ảnh thương hiệu của mình với vai trò là nhà tuyển dụng, tăng cường sự gắn kết của nhân sự với tổ chức, khuyến khích nhân tài chấp nhận làm việc tại doanh nghiệp. Hoạt động “truyền thông tuyển dụng” hiện chưa được chú trọng đủ mức ở hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Đối với nhân sự đang làm việc, theo ông Jonah Levey – Chủ tịch HĐQT của Vietnamworks nhận định, việc sa thải nhân viên chưa bao giờ là việc làm dễ dàng với nhà quản lý, do đó cần tuyển dụng từ từ và có chọn lọc, lựa chọn những người có tố chất (DNA) sáng tạo và chuyên nghiệp để cùng làm việc lâu dài.

Trong phiên thảo luận, các chuyên gia và học giả đã cùng đưa ra một luận điểm chung: Đổi mới và sáng tạo là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng. Đổi mới và sáng tạo được ví như ngọn gió đẩy con thuyền doanh nghiệp ra khơi xa, trong đó người thuyền trưởng có vai trò không kém phần quan trọng khi cùng các thuyền viên dày dặn kinh nghiệm, bản lĩnh và sáng tạo đưa con thuyền đến bờ thành công.

Hội nghị đã mang đến cho người tham dự nhiều góc nhìn mới mẻ, tổng hợp các bài học quý báu và đưa ra gợi ý hữu ích cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh cần phải làm mới mình để khác biệt và giành lấy lợi thế cạnh tranh cho mục tiêu tồn tại và phát triển lâu dài. Hy vọng lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam sẽ tìm thấy cho mình những ý tưởng mới, vận dụng kinh tế sáng tạo để đổi mới hiệu quả, vững vàng hoạt động và thành công.

Ban tổ chức chân thành cảm ơn hai nhà tài trợ vàng của hội nghị CEO SUMMIT 2013 là Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và Tổng công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn.

Các diễn giả nổi tiếng tham dự hội nghị là:

- Ông Nguyễn Anh Tuấn, thành viên Hội đồng cố vấn toàn cầu Trường kinh doanh Harvard, Tổng biên tập Diễn đàn Toàn cầu Boston;

- GS.TS. Frank Go, Trường Đại học Erasmus, Hà Lan – chuyên gia hàng đầu thế giới về áp dụng kinh tế sáng tạo trong xây dựng thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu quốc gia, địa phương và các tập đoàn lớn;

- Ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey & Company Thái Lan và Việt Nam;

- Ông Michael Thomas Szczepanski, Giám đốc khối dịch vụ tư vấn của PwC Việt Nam; ông Jonah Levey – Nhà sáng lập & Chủ tịch HĐQT VietnamWorks.com & Navigos Search;

- Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm TGĐ Cà phê Trung Nguyên;

- PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

  




Văn bản gốc