Tin tức

Trang chủ » » "Siêu ủy ban" và những điều cần biết

"Siêu ủy ban" và những điều cần biết

18/07/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Việc thành lập một cơ quan chuyên trách với tên gọi Ủy ban Quản lý - giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp được xác định sau khi Bộ Kế hoạch & Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì xây dựng khung pháp lý.

Một “siêu ủy ban” quản hàng triệu tỷ đồng vốn nhà nước đang được nghiên cứu thành lập. Trong đó, danh sách 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể phải chuyển về dưới quyền quản lý của “siêu ủy ban” này cũng dần được hé lộ. 

Cơ quan này có nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện các chủ trương, định hướng về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Ủy ban sẽ thực hiện đầu tư và quản lý danh mục tài sản, vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp trên nguyên tắc bảo toàn và tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư nhà nước được giao quản lý. Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa chính thức công bố dự thảo Nghị định về việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước (Ủy ban) đối với 30 DNNN. 

Ủy ban sẽ chỉ quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước đối với 30 DN trong các lĩnh vực như điện lực, dầu khí, than khoáng sản, dệt may, viễn thông, hóa chất, cà phê, đường sắt, hàng hải, hàng không…

Các DNNN trực thuộc Ủy ban cấp tỉnh thì vẫn do cơ quan này quản lý. Các DN quốc phòng và an ninh sẽ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước là do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Các Bộ quản lý ngành, chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu với các DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích.

Ủy ban trực thuộc Chính phủ và chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành. Trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Chịu sự đánh giá, giám sát của Chính phủ, của Quốc hội, các cơ quan có liên quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo toàn, phát triển và tối đa hóa giá trị tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Theo đó, danh sách dự kiến doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp chuyển giao cho Ủy ban quản lý gồm 30 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Trong đó có 9 tập đoàn gồm: Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt.

Các tổng công ty lớn khác như: Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam, Tổng công ty Rượu-  Bia - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội. 

Việc quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước là mục tiêu hàng đầu. Thực hiện chuyên trách, chuyên nghiệp chủ sở hữu Nhà nước, tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi các chức năng khác của nhà nước trong nền kinh tế.

Cải cách, cải thiện quản trị DNNN và quản trị tài sản. Đổi mới cách thức quản lý vốn đầu tư của nhà nước tại DN theo quy luật thị trường. 

Bên cạnh việc thực hiện các quyền sở hữu có liên quan, Ủy ban sẽ xây dựng kế hoạch 05 năm và hàng năm trình Chính phủ về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước.

Thực hiện các hoạt động tái cơ cấu lại vốn theo phương án được Chính phủ phê duyệt; xây dựng danh mục đầu tư, đánh giá hiệu quả hoạt động; tổng hợp và công bố thông tin liên quan; kiến nghị với Chính phủ các vấn đề liên quan. 

Chính phủ sẽ thực hiện giám sát tình hình thực hiện và nhiệm vụ được giao trong quản lý, giám sát vốn, tài sản nhà nước tại DN bằng phương thức giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát trước, giám sát trong, giám sát sau.

Bên cạnh việc phải có báo cáo hàng năm trước ngày 31/5, Ủy ban có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động. Đồng thời, thực hiện kiểm toán độc lập các Báo cáo hoạt động thường niên; Ủy ban cũng là đối tượng thuộc kiểm toán nhà nước hàng năm và kiểm toán theo chuyên đề.

Các nội dung giám sát gồm: tài chính; thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh; tình hình quản trị, tổ chức quản lý, chế độ tiền lương, tiền thưởng, công tác quản lý cán bộ và lao động...

Hương Thảo

Tổng hợp

  




;

Văn bản gốc


;