Tin tức

Trang chủ » » Số phận doanh nghiệp sau những lần thay đổi...

Số phận doanh nghiệp sau những lần thay đổi...

29/07/2015

Chuyên mục: Tin tức In trang

Như nhiều nước đang phát triển ở Châu Á, nguồn thu NSNN của...

Như nhiều nước đang phát triển ở Châu Á, nguồn thu NSNN của Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất lớn vào thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (tỷ trọng đóng góp trong tổng thu NSNN từ thuế năm 2013 lần lượt là 31,9% và 30,5%).

thuế, DN, chính-sách

Hình 1: Cơ cấu nguồn thu NSNN từ thuế năm 2013. Nguồn: Bộ Tài chính

Thuế GTGT và thuế TNDN: Những thay đổi trong chính sách

Trước khi xây dựng luật thuế VAT, Việt Nam đã áp dụng thuế doanh thu từ tháng 10/1990 và thay thế bằng thuế VAT vào năm 1999, qua nhiều lần sửa đổi vào các năm 2003, 2006 và 2008, mới đây vào năm 2013 đã được Quốc hội thông qua sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng. Những thay đổi chính trong Luật Thuế GTGT chủ yếu về: các tiêu chí miễn thuế rõ ràng hơn, và điều chỉnh ngưỡng đóng thuế, giúp đơn giản hóa đánh giá về thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN nhỏ và cải thiện hiệu quả thủ tục hành chính thuế.

Tương tự, thuế lợi nhuận lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1990 và sau đó được thay thế bằng thuế TNDN vào năm 1999, liên tục được sửa đổi vào các năm 2003, năm 2008 và được Quốc hội thông qua sửa đổi Luật Thuế TNDN năm 2013 với mục đích loại bỏ những bất cập và cải thiện môi trường thuế thân thiện hơn với người nộp thuế. Những thay đổi chủ yếu trong lần sửa đổi gần đây nhất có liên quan tới: mở rộng cơ sở tính thuế và miễn thuế, chi phí khấu trừ, thuế suất (giảm từ 25% xuống còn 22%), quy định ưu đãi thuế…

Có thể thấy, trong thời gian qua, Luật thuế GTGT và TNDN liên tục được điều chỉnh với mục tiêu phù hợp hơn với thực tiễn quốc tế, hỗ trợ sản xuất và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, đồng thời khuyến khích xuất khẩu và đầu tư.

Thuế GTGT và thuế TNDN: Những ảnh hưởng đến doanh nghiệp

Song song với việc công bố Bảng xếp hạng V1000 – Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014, Vietnam Report đã tiến hành khảo sát các đại diện doanh nghiệp V1000 từ năm 2010 đến năm 2013 nhằm đánh giá ảnh hưởng của cải cách thuế tới DN, trong đó có đề cập tới Luật thuế GTGT và TNDN.

Thuế TNDN: Giảm thuế suất về mức 22% là thay đổi được doanh nghiệp quan tâm nhất trong năm 2014

Theo đúng lộ trình, từ năm 2014 mức thuế suất thuế TNDN sẽ giảm xuống còn 22% (mức trước đây là 25%). Đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng, mức thuế suất sẽ là 20% và đã được áp dụng từ 1/7/2013. Từ năm 2016, mức thuế suất thuế TNDN sẽ giảm còn 20% và mức thuế suất ưu đãi cũng được điều chỉnh còn 17%. Sự thay đổi này được các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá là tích cực nhất, với 56,6% lựa chọn “tích cực” và 21,4% lựa chọn “rất tích cực”.

Ngược lại, chính sách ưu đãi thuế suất với một số lĩnh vực và Áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của một số đối tượng được cho là không mấy ảnh hưởng tới doanh nghiệp với lần lượt 31,4% và 32,1% lựa chọn “không có tác động”.

thuế, DN, chính-sách

Hình 2: Đánh giá tác động của một số thay đổi trong Luật thuế TNDN. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp V1000 do Vietnam Report thực hiện, tháng 10/2014

Thuế GTGT: Bổ sung thêm đối tượng không chịu thuế có tác động tích cực nhất tới doanh nghiệp

Khác với luật thuế TNDN, nhìn chung, những thay đổi của luật thuế GTGT không thực sự gây nhiều ảnh hưởng tới doanh nghiệp, bởi đây là loại thuế gián thu tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa/ dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng, và khoản giá trị tăng thêm này về cơ bản sẽ do người tiêu dùng chịu. Tuy nhiên, việc Bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ sở điều chỉnh hợp lý giá thành phẩm, từ đó khuyến khích hoạt động sản xuất và tăng doanh thu bán hàng. Theo kết quả khảo sát, 24,5% doanh nghiệp lựa chọn đây là thay đổi “tích cực”, và 6,9% lựa chọn “rất tích cực”.

thuế, DN, chính-sách

Hình 3: Đánh giá tác động của một số thay đổi trong Luật thuế GTGT. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp V1000 do Vietnam Report thực hiện, tháng 10/2014

Có thể thấy, những điều chỉnh trong chính sách thuế trong thời gian qua được xem như những nỗ lực của Chính phủ trong việc cân đối giữa tăng thu NSNN và tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Để doanh nghiệp cập nhật nhanh chóng, hiểu rõ mục đích và thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách mới, cơ quan thuế cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Bên cạnh đó, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, cơ quan thuế cũng cần tham khảo ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp về những vướng mắc, đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện chính sách mới. Sự phối hợp của Chính phủ, Cơ quan thuế và Người nộp thuế sẽ là cơ sở để công cuộc cải cách thuế diễn ra thuận lợi và “hợp tình hợp lý” hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Sáng 02/12/2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 – 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp chí Thuế – Tổng Cục Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2014. Đây là năm thứ năm liên tiếp kể từ năm 2010, Bảng xếp hạng V1000 được công bố nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự phát triển và giàu mạnh của đất nước.

Vietnam Report

  




Văn bản gốc