Start up Châu Á đang lao đao vì nhiều trở ngại
Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư đã đổ xô đến châu Á - khu vực có lượng người sử dụng di động lớn nhất thế giới, khi cơn sốt startup tại đây bùng nổ. Giờ họ lại chùn chân trước bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu.
Các chuyên gia đều cho rằng bong bóng startup tại Châu Á sẽ phải xì hơi trong tương lai, nhưng vấn đề là không ai có thể dự đoán chính xác thời điểm cho đến khi tình hình đã trở nên quá muộn. CỤ thể, vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các startup công nghệ của Trung Quốc đã giảm tới 28% trong quý I/2016 so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các doanh nhân khởi nghiệp và các nhà đầu tư mạo hiểm, diễn biến mới đã tạo ra không ít thách thức cho những nhà sáng lập startup châu Á khi nhà đầu tư ngày càng săm soi hơn, những cuộc thương thảo huy động vốn kéo dài, cũng như mức định giá các startup đang trên đà giảm xuống.
Trong bối cảnh suy giảm toàn cầu, các startup châu Á khó mà “yên thân”. Đà suy giảm thể hiện rõ nhất là tại Trung Quốc và Ấn Độ. Vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các startup công nghệ của Trung Quốc đã giảm tới 28%, còn 1,8 tỉ USD trong quý I/2016 so với cùng kỳ năm ngoái, theo AVCJ Research có trụ sở đặt tại Hồng Kông.
Tại Ấn Độ, các nhà đầu tư mạo hiểm trong quý I/2015 đã rót 891 triệu USD vào các startup công nghệ nhưng con số này đã giảm 17% xuống còn 736 triệu USD trong quý I năm nay. Tại Hàn Quốc, vốn đầu tư mạo hiểm đã giảm tới 37% còn chỉ 45,8 triệu USD trong quý I. Còn tại Indonesia, các startup thương mại điện tử trong lĩnh vực thời trang Paraplou Group và PinkEmma đã đóng cửa trong những tháng gần đây. Paraplou Group giải thích lý do là vì môi trường huy động vốn khó khăn. PinkEmma thì không phản hồi.
Tháng 4 vừa qua, Alibaba đã đầu tư 1 tỉ USD vào startup Đông Nam Á Lazada Group. SoftBank cũng sắp vượt qua số tiền 10 tỉ USD dự kiến đầu tư vào Ấn Độ trong thập niên tới, Tổng Giám đốc SoftBank, ông Masayoshi Son phát biểu hồi tháng 1.
Còn đối với nhiều startup, để tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt hơn, họ đang thực hiện những thay đổi quyết liệt. Yin, nhà sáng lập startup Yiqi Chang, đã cắt giảm số nhân viên từ 600 người còn chỉ 200 người trong vòng 3 tháng qua. Đối với Pei Qiao, đồng sáng lập Weichaishi, một startup có trụ sở ở Thượng Hải đang điều hành một nền tảng trực tuyến về crowdsourcing (hình thức gọi vốn cộng đồng, sử dụng nguồn lực của đám đông) cho các khách hàng doanh nghiệp, thì môi trường khắc nghiệt hơn có nghĩa là công ty buộc phải cắt giảm thậm chí những khoản chi phí rất nhỏ. Các gói bánh snack và nước giải khát cho nhân viên cũng phải ra đi, cùng với các khoản tiền chi đầy tốn kém cho các chiến dịch làm thương hiệu.
Nguyễn Trung
Tổng hợp