Tin tức

Trang chủ » » TPP thời Donald Trump: Những lựa chọn thay thế

TPP thời Donald Trump: Những lựa chọn thay thế

05/12/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Với việc Hoa Kỳ nhiều khả năng rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các thành viên còn lại sẽ chọn hướng đi nào: Đàm phán lại TPP, tham gia một hiệp định thương mại khác, hay ký kết nhiều thỏa thuận song phương?

TPP không có Hoa Kỳ?

Trong cuộc gặp mặt mới đây vào ngày 1-12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam cho biết sẽ cùng làm việc để phê chuẩn TPP sớm nhất có thể.

Sau khi tiếp kiến Tổng thống Singapore trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Tan đến Nhật Bản, Thủ tướng Abe phát biểu: “Chúng tôi nhất trí cùng làm việc để TPP sớm có hiệu lực, cũng như hoàn tất các cuộc đàm phán của ASEAN để không làm chậm lại xu hướng tự do thương mại”. Trong khi đó, Tổng thống Tan cho biết: “Chúng tôi thảo luận về tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của TPP, cùng nhất trí rằng lợi ích của tất cả đối tác TPP là bảo đảm nó được phê chuẩn và nhanh chóng có hiệu lực thi hành”.

Cho đến nay, cả Singapore và Nhật Bản đều có những bước đi tích cực để tiếp sức cho TPP. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 19-11 cam kết đảo quốc này sẽ thông qua về mặt pháp lý để TPP có hiệu lực vào năm 2017. Tại Nhật Bản, Hạ viện nước này đã phê chuẩn TPP và chuyển lên bỏ phiếu ở Thượng viện.

Để có hiệu lực, TPP phải được phê chuẩn trước tháng 2-2018 bởi ít nhất 6 thành viên có tổng GDP tương đương 85% GDP của tất cả thành viên. Tuy nhiên, chỉ riêng Hoa Kỳ đã chiếm tới 62% GDP của 12 nước, nên dù cả 11 nước còn lại có thông qua, TPP vẫn không có hiệu lực, trừ khi đàm phán lại.

Dù vậy, nhiều lãnh đạo các nước thành viên đã lên tiếng khẳng định tiếp tục đưa TPP đến đích cuối cùng. Phát biểu với báo giới ngày 22-11, Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz nhấn mạnh dù Hoa Kỳ có tham gia TPP hay không, các nước thành viên vẫn quyết tâm đưa hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này đến thành công. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Peru Eduardo Ferreyros nêu đề xuất điều chỉnh các điều khoản TPP và sửa đổi một số chi tiết để phù hợp với các nước còn lại.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công Thương Malaysia, ông Ong Ka Chuan cho rằng ý định rút khỏi TPP của Tổng thống  đắc cử Donald Trump chỉ là tầm nhìn tạm thời, và có thể tỷ phú này sẽ nhận ra những lợi ích hữu hình của TPP để thay đổi quyết định của mình. Điều này không phải vô căn cứ, bởi cho đến nay dường như ông Trump chưa tìm được lý do thuyết phục để phản đối TPP.

Một TPP không Hoa Kỳ, hay TPP-11, sẽ thiết lập những luật lệ và chuẩn mực có lợi cho tất cả thành viên, bao gồm bảo vệ người lao động, môi trường, tài sản trí tuệ và thương mại số... Những cải tổ dưới các thỏa thuận này sẽ giúp nền kinh tế các thành viên hiệu quả và cạnh tranh hơn; các ngành xuất khẩu vẫn có thể hưởng lợi từ mở rộng thương mại; người tiêu dùng các nước thành viên có thể tiếp cận hàng hóa giá rẻ hơn.

Cho dù không có Hoa Kỳ, TPP vẫn có thể đưa những đồng minh của Nhà Trắng như Nhật Bản, Singapore và Australia lên hàng đầu trong tự do hóa thương mại. Đặc biệt, bằng sự kết nối thông qua TPP, các nước châu Á sẽ đoàn kết hơn, đây là điều cực kỳ quan trọng trong một khu vực nhiều biến động và tranh chấp.

RCEP sẽ thay thế TPP?

Nhiều người tin rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP sẽ đẩy các thành viên còn lại về phía Trung Quốc, thông qua các hiệp định như RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) hay Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Dù cả 2 hiệp định này đều không phải là sáng kiến của Trung Quốc, nhưng nhiều người tin rằng Bắc Kinh đang dùng chúng để tạo đối trọng với TPP do Hoa Kỳ dẫn dắt. Thời gian qua, Trung Quốc rất năng nổ trong việc hô hào thúc đẩy đàm phán cho 2 hiệp định này, nhưng tiến trình đàm phán vẫn diễn ra khá chậm chạp.

Tuy nhiên, với tương lai TPP không Hoa Kỳ, các nước đã hào hứng hơn với những hiệp định thay thế. Ngoại trưởng Peru Eduardo Ferreyros cho biết ngay từ tháng 8-2016, Peru đã chủ động trao đổi với Bắc Kinh về việc tham gia đàm phán RCEP. Một thành viên khác của TPP là Chile cũng có động thái tương tự. Ngay cả các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ trong TPP là Australia và Nhật Bản cũng tỏ ý thiên về RCEP, dù trước đây 2 nước này chỉ tham gia RCEP theo kiểu “đặt gạch giữ chỗ”.

“Nếu TPP bị hủy bỏ, tất nhiên trọng tâm chú ý sẽ dịch chuyển về phía hiệp định do Trung Quốc dẫn dắt” - Thủ tướng Abe nói. Đồng minh thân cận của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á là Singapore giờ đây cũng sẽ cân nhắc những đề xuất hiệp định thương mại mới trên cơ sở rằng chúng sẽ mang lại những lợi ích nhất định còn hơn là không có gì. “Vẫn còn những con đường khác để tiến đến tự do thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương” - Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu.

RCEP là sáng kiến của các nước ASEAN, nhằm thúc đẩy tự do thương mại với các đối tác quan trọng. Theo kế hoạch ban đầu, những mảng bao phủ chính của RCEP gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế/kỹ thuật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, thương mại điện tử và các vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tóm lại, RCEP chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, không hướng tới những mục tiêu cao hơn như bảo vệ môi trường hay cải thiện điều kiện kinh doanh.

Một điểm khác biệt nữa với TPP là RCEP có Trung Quốc, trong khi lại không có Hoa Kỳ. Hơn nữa, Trung Quốc được cho là nền kinh tế quan trọng nhất trong RCEP. Hiện tại, RCEP đã đi tới vòng đàm phán thứ 15 và kỳ vọng sẽ hoàn tất vào giữa năm 2017. Thực chất RCEP cũng đầy tham vọng. Chẳng hạn, đây là lần đầu tiên một hiệp định thương mại kết nối 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ; cũng là lần đầu tiên kết nối 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, FTAAP có mục tiêu tham vọng là bao phủ tất cả thành viên của TPP lẫn RCEP. Tuy nhiên cũng như RCEP, nó ít các mục tiêu phát triển hơn so với TPP. Quan trọng nhất, dự kiến đến tận năm 2025 FTAAP mới hoàn tất các thỏa thuận.

Văn Cường

Tổng hợp

  




Văn bản gốc