Tin tức

Trang chủ » » Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2017 dưới góc nhìn của các tổ chức kinh tế

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2017 dưới góc nhìn của các tổ chức kinh tế

14/04/2017

Chuyên mục: Tin tức In trang

Mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 nhìn chung đều được dự báo có khả năng đạt trên 6%.

WB: Thách thức từ các biện pháp bảo hộ kinh tế

Trong báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố ngày 13.4, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt 6,3%, tức nhỉnh hơn năm ngoái 0,1%, nhờ tâm lý tốt trên thị trường và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mục tiêu 6,7% do Chính phủ đề ra.

WB nhận định áp lực lạm phát tại Việt Nam nhìn chung ở mức thấp, do giá hàng hóa toàn cầu đang giảm. Chỉ số giá tiêu dùng 2017 được dự báo tăng khoảng 4% và giữ nguyên trong 2 năm tiếp theo. Ngân sách sẽ được củng cố trong thời gian tới cùng quá trình thoái vốn được đẩy nhanh, tỷ giá ổn định.

WB cũng cho rằng Việt Nam sẽ duy trì được tốc độ phát triển dài hạn nếu đẩy mạnh tái cơ cấu. Dù vậy, tâm lý bảo hộ và rủi ro liên quan đến các biện pháp bảo hộ tại các nền kinh tế lớn sẽ là những thách thức với Việt Nam.

ADB: Nông nghiệp sẽ làm giảm đà tăng trưởng chung

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển ADB lại dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018, nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng, du lịch. Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ.

Các chuyên gia ADB còn cho rằng cải cách nông nghiệp sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng. Sản lượng nông nghiệp được dự báo tăng nhẹ trong năm 2017 với viễn cảnh giá lương thực toàn cầu tăng và thời tiết ít biến động hơn.

Tuy nhiên, báo cáo này nhấn mạnh khu vực nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm hơn so với phần còn lại của nền kinh tế, làm giảm đà tăng trưởng chung.

VEPR: Suy giảm tăng trưởng từ các nhóm ngành công nghiệp

Dưới góc nhìn của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), với mức tăng trưởng kinh tế 5,1% trong quý 1/2017 (mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây) thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 sẽ không đạt được.

Trước mắt, VEPR dự báo kinh tế Việt Nam quý 2 sẽ tăng trưởng ở mức 5,7%, quý 3 là 6,5%, quý 4 là 6,6% và cả năm đạt khoảng 6,1%.

Suy giảm tăng trưởng theo VEPR chủ yếu đến từ các nhóm ngành công nghiệp. Các chỉ số dự báo sản xuất công nghiệp cho thấy rõ bức tranh ảm đạm của công nghiệp Việt Nam ngay trong quý 1.

Bên cạnh dự báo tốc độ tăng trưởng GDP, VEPR cũng cho rằng lạm phát cả năm có thể thấp hơn 5%. Cũng có nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn dự báo, do hiệu ứng điều chỉnh giá dịch vụ công trên toàn quốc và sự bất định của giá thế giới.

CIEM: Nên ưu tiên giữ thâm hụt ngân sách thấp

Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) từng có dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,43%, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội đã đề ra là 6,7%.

Ngoài ra, CIEM cũng dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu là 7,2%. Thặng dư thương mại đạt 1,8 tỉ USD do nhập khẩu tăng trưởng chậm và giá dầu phục hồi.

Trong năm 2017, CIEM đưa ra khuyến cáo nếu phải lựa chọn giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách, nên lựa chọn ưu tiên giữ thâm hụt ngân sách thấp chứ không nên chạy theo tăng trưởng. 

Tổng cục Thống kê lạc quan

Trong khi các tổ chức đều dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7% thì trong lần trao đổi với báo chí trước, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm lại cho rằng môi trường kinh doanh trong năm qua đã được cải thiện. 

Cụ thể, năm 2016 đạt kỷ lục về số lượng doanh nghiệp với hơn 100.000 doanh nghiệp. Đây sẽ là động lực quan trọng góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017.

Ông Lâm cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% là có thể đạt được. Bên cạnh đó, ông Lâm cũng dự báo lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ đạt khoảng 4%.

 

Theo Tuyết Nhung

Một Thế Giới

  




Văn bản gốc