Tiềm năng lợi nhuận đến từ lối sống “công nghiệp”
Cùng với sự phục hồi của đà tăng trưởng kinh tế, sức cầu cho sản phẩm ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam đã có những dấu hiệu tăng trưởng tốt. Sản phẩm tiêu dùng nhanh và sạch đang là những lựa chọn mới của người tiêu dùng Việt Nam.
Với cơ cấu dân số trẻ, tăng trưởng kinh tế phục hồi và được dự báo sẽ đạt mục tiêu 6,7%, mức chi tiêu tại thị trường Việt Nam đang ngày càng tăng cao, tạo cơ hội cho các ngành hàng tiêu dùng phát triển. Theo Báo cáo Market Pulse của Nielsen Việt Nam, tăng trưởng đang diễn ra ở tất cả sáu ngành hàng lớn, trong đó có thực phẩm và đồ uống.
Tăng trưởng ngành thực phẩm – đồ uống trong năm 2017
Quy mô ước tính của ngành chế biến thực phẩm và đồ uống hiện đang chiếm tỷ lệ khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong năm vừa qua, quy mô thị trường thực phẩm và đồ uống của Việt Nam được đánh giá đạt khoảng 30 tỷ USD. Trên thực tế, lượng tiêu thụ đồ uống của người dân Việt Nam luôn được đánh giá là “khổng lồ” khi so sánh với thị trường của các quốc gia trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 5 trong 10 nước châu Á về lượng bia, rượu tiêu thụ bình quân. Về nước giải khát, người dân Việt Nam đã tiêu thụ trung bình mỗi người 53,6 lít/năm, gấp 3,6 lần lượng tiêu thụ sữa. Chỉ riêng đồ uống có ga, người Việt Nam cũng đã sử dụng vượt mức 1 tỷ lít đồ uống loại này.
Trải qua ba quý đầu năm 2017, các doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam cũng đạt được một số thành tựu đáng kể. Ví dụ, Vinamilk có mức tăng trưởng doanh thu đạt 10,34% và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt 13,61% so với cùng kỳ năm 2016, xếp thứ 4 trong Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất 2017. Công ty Vissan cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên đến 15% trong 6 tháng đầu năm. Con số này của Kido là 131%. Sabeco báo mức lợi nhuận sau thuế 2.425 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước...
Sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp thuộc nhóm thực phẩm và đồ uống còn thể hiện qua mức vốn hóa gia tăng nhanh chóng của nhóm doanh nghiệp này. Tính đến quý III năm 2017, tổng vốn hóa thị trường đạt khoảng 2,74 triệu tỉ đồng; trong số doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất hiện nay, có ba đại diện ngành hàng là Vinamilk (MCK: VNM), Sabeco (MCK: SAB) và Masan (MCK: MSN). Chỉ riêng ba “ông lớn” đã đóng góp khoảng 16,2% tổng vốn hóa thị trường.
Hình 1. Một số doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất tính đến quý III năm 2017 (đơn vị: tỉ USD)
Nguồn: Tổng hợp dữ liệu từ thị trường chứng khoán.
Sản phẩm tiêu dùng nhanh và sạch: Những xu hướng mới
Cùng với tín hiệu khả quan cho thấy những triển vọng mới cho bước tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam trong thời gian qua, sức ép cạnh tranh trong một thị trường hội nhập cũng gia tăng, những xu hướng mới trong kinh doanh đang dần hình thành.
Trong nhóm các ngành hàng thực phẩm – đồ uống, sản phẩm tiêu dùng nhanh đang có xu hướng tăng trưởng “bùng nổ”. Báo cáo của Nielsen Việt Nam cho thấy ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn quốc trong quý I vừa qua đã đạt mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây (9,6%). Theo Nghiên cứu chuyên gia do Vietnam Report thực hiện trong tháng 10 vừa qua, một chuyên gia trong ngành cho biết: “Lối sống “công nghiệp”, cơ cấu dân số trẻ với thị hiếu ngày càng nghiêng về xu hướng tiêu dùng hiện đại và tiện lợi là một trong những nguyên nhân chính làm tăng nhu cầu thực phẩm – đồ uống dưới hình thức đóng gói sẵn. Nếu sắp tới các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, để nâng cao sức cạnh tranh và tăng năng suất lao động, nhu cầu cho các mặt hàng này sẽ còn tiếp tục gia tăng và có thể là theo cấp số nhân”. Trên thực tế, tại những thành phố lớn như Sài Gòn, việc bày bán thực phẩm ăn sẵn trên kệ đã là hình ảnh quen thuộc với nhiều người.
Không chỉ tiện dụng, chất lượng là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Với mức thu nhập tăng lên liên tục trong vòng 30 năm trở lại đây (đạt gần 2.300 USD/người/năm), họ đã sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm vừa có lợi cho sức khỏe, vừa thân thiện với môi trường. Trong Khảo sát người tiêu dùng do Vietnam Report thực hiện vào tháng 9/2017, có đến 86% người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm vì niềm tin vào chất lượng đảm bảo.
Hình 2. Lí do người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của các doanh nghiệp trong ngành
Nguồn: Khảo sát người tiêu dùng – Vietnam Report, tháng 9/2017.
Hiện nay, để khắc phục điểm yếu về chênh lệch trình độ công nghệ, trang thiết bị hay nguồn nhân lực so với các doanh nghiệp ngoại, nhiều doanh nghiệp nội địa đã tiến hành M&A, hợp tác chiến lược... Mới đây, Vinamilk và Tập đoàn Chr.Hansen (Tập đoàn khoa học dinh dưỡng hàng đầu thế giới của Đan Mạch) đã kí kết hợp tác chiến lược sản xuất những sản phẩm mang tính đột phá ứng dụng men vi sinh thế hệ mới, đồng thời lên kế hoạch xây dựng các trang trại bò ở TP. HCM và Hà Nội để tăng nguồn cung trong nước, giảm thiểu rủi ro tăng giá bột sữa nguyên liệu. Đường Quảng Ngãi cũng thử nghiệm đóng gói các sản phẩm đường với trọng lượng thấp hơn để phân phối trực tiếp tới người tiêu dùng, nâng cao công suất nhà máy đường An Khê và dự kiến sẽ đem lại doanh thu ổn định 300 - 400 tỉ đồng/năm...
Kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tiềm năng tăng trưởng lớn, cuộc cạnh tranh giành thị phần của các doanh nghiệp cũng ngày càng khốc liệt. Bởi vậy, việc giữ vững và phát triển thương hiệu cũng như uy tín đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chủ động, dự đoán chính xác và có chiến lược phù hợp với những biến động trên thị trường, qua đó cải thiện hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Lễ công bố Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất & Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm – Đồ uống năm 2017
do Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet tổ chức sẽ chính thức diễn ra vào ngày 23/11/2017 tại Khách sạn Sheraton, Hà Nội.
|
Theo VietNamNet