Tiền vẫn không ngừng chảy vào chứng khoán Việt Nam
Trong năm 2015, mặc dù chịu nhiều tác động từ tình hình kinh tế, tài chính thế giới nhưng dòng tiền chảy vào chứng khoán Việt Nam vẫn rất lớn, đẩy quy mô thị trường lên 57%GDP, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
TTCK đạt mức vốn hóa và huy động vốn cao nhất từ trước đến nay
Sau 15 năm chính thức đi vào hoạt động, TTCK Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về quy mô, chứng tỏ TTCK đang được nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp quan tâm, ưa thích.
Đến cuối năm 2015, giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã lên đến 1,36 triệu tỷ đồng, tương đương 34,5%GDP (mức cao nhất trong vòng 5 năm qua), giá trị dư nợ trái phiếu đạt khoảng 22%GDP. Tính chung, quy mô thị trường chứng khoán đạt 57%GDP, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Năm qua cũng đánh dấu sự tăng trưởng về quy mô huy động vốn qua TTCK, với mức huy động vốn cao nhất từ trước đến nay.
Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2015 ước đạt hơn 300 nghìn tỷ đồng; trong đó, huy động vốn qua đấu thầu trái phiếu đạt hơn 249 nghìn tỷ đồng và phát hành cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, cổ phần hóa đạt gần 55 nghìn tỷ đồng. Quy mô huy động vốn qua TTCK đáp ứng khoảng 28% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng.
Điều này cho thấy TTCK đang ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước hình thành một hệ thống tài chính hiện đại trên nền tảng hài hòa giữa TTCK và thị trường tiền tệ - tín dụng.
Chứng khoán Việt tăng bất chấp biến động thế giới
Năm 2015, thị trường bị tác động mạnh và giảm điểm sâu trong một số thời điểm như sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ trong tháng 8, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc; những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và việc Fed tăng lãi suất cũng như sự sụt giảm của giá dầu thô vào những tháng cuối năm 2015.
Tuy nhiên những tác động trên chỉ mang tính ngắn hạn, tính cả năm thị trường vẫn có xu hướng tăng với mức tăng 6,1% so với cuối năm 2014, trong khi hầu hết TTCK các nước đều giảm (Mỹ giảm 2,23%, Anh giảm 2,3%, Úc giảm 2,13%; đặc biệt thị trường TTCK khu vực giảm mạnh như Ấn độ, Malaysia giảm 5%, Indonesia, Thái Lan giảm xấp xỉ 15%).
Thanh khoản sụt giảm mạnh nhất trong tháng 9 khi tâm lý của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh bởi lo ngại về sức khỏe của kinh tế của các nước mới nổi và sự rút vốn mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài tại các nước này. Mặc dù vậy, quy mô giao dịch bình quân năm 2015 chỉ giảm nhẹ so với năm 2014, đạt 4.964 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là 2.495 tỷ đồng/phiên và trái phiếu là 2.470 tỷ đồng.
Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh rút vốn khỏi các TTCK mới nổi. Dòng vốn thực tế đổ vào các nền kinh tế mới nổi trong năm nay lần đầu tiên đã giảm kể từ năm 1988, với số vốn rút khỏi 30 nền kinh tế mới nổi năm 2015 dự kiến sẽ là 540 tỷ USD. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng gần 3.000 tỷ đồng cổ phiếu trên TTCK, đưa tổng giá trị danh mục lên mức 15 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014.
Xử lý hình sự đối với hành vi gian lận trong hồ sơ chào bán chứng khoán
Ngày 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, theo đó tăng cường chế tài hình sự để xử lý nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK.
Bộ luật Hình sự mới này đã được sửa đổi theo hướng quy định rõ yếu tố cấu thành tội phạm mang tính định lượng, tăng hình phạt tiền, bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, tội thao túng giá chứng khoán) tại Bộ luật Hình sự hiện hành.
Đồng thời bổ sung thêm một tội danh mới trong lĩnh vực chứng khoán, đó là “tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán”.
Đột phá trong chính sách thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài
Ngày 26/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào các công ty đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp…
Quy định này được đánh giá là bước đột phá trong chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Việc chính thức mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài kể từ ngày 1/9/2015 về trung và dài hạn sẽ có những tác động tích cực đến nền kinh tế, môi trường kinh doanh, thị trường vốn, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo cú huých thay đổi một cách căn bản diện mạo của TTCK Việt Nam.
Ngày 18/8/2015, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 123 hướng dẫn hoạt động nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam với nhiều nội dung cải cách tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ trong việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Nghị định 60.
Bên cạnh đó, hệ thống nghiệp vụ cấp mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Thông tư 123 do Trung tâm lưu ký xây dựng cũng đã được hoàn thiện.
Gắn cổ phần hóa, đại chúng hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK
Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã thể chế hóa và đẩy nhanh công tác đăng ký giao dịch, niêm yết của các doanh nghiệp cổ phần hóa và công ty đại chúng trên TTCK. Các doanh nghiệp cổ phần hóa sau 90 ngày và các công ty đại chúng sau 30 ngày phải hoàn tất thủ tục đăng ký lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom.
Việc gắn công tác đại chúng hoá, cổ phần hoá với đăng ký giao dịch đã đưa TTCK Việt Nam tiếp cận với thông lệ quốc tế. Theo đó sau khi chào bán ra công chúng, các cổ phiếu phải được đưa vào giao dịch ngay trên TTCK. Đồng thời, qua đó, giúp minh bạch hóa thông tin các DNNN hỗ trợ tích cực cho công tác tái cơ cấu DNNN; xóa bỏ dần thị trường giao dịch tự do, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường chứng khoán có tổ chức phát triển.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg về việc bán cổ phần theo lô. Trên cơ sở đó, UBCKNN ban hành quy chế bán đấu giá theo lô tại Quyết định số 999/QĐ-UBCK ngày 19/11/2015 quy định về việc bán công khai cổ phần của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại công ty cổ phần cho các nhà đầu tư có sự cạnh tranh về giá và mỗi nhà đầu tư phải mua toàn bộ số cổ phần chào bán theo lô.
Với cơ chế bán trọn lô có sự tham gia của Hội đồng thẩm định năng lực nhà đầu tư, Quy chế được ban hành sẽ hỗ trợ tích cực cho công tác thoái vốn trên TTCK trong thời gian tới, đồng thời góp phần cải thiện quản trị công ty trong các doanh nghiệp.
Theo Fica.vn