Tổng quan về nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam
Nhượng quyền thương hiệu (franchise) không phải là một khái niệm xa lạ. Đã có nhiều thương hiệu nước ngoài và Việt Nam thành công trong việc nhượng quyền, giúp mở rộng được thị phần và quảng bá thương hiệu của mình.
Tuy nhiên, do lịch sử phát triển ngành nhượng quyền tại nước ta vẫn còn khá mới, nên việc hiểu đúng và áp dụng mô hình như thế nào hiện vẫn còn là thử thách.
Nhượng quyền thương hiệu đã được chứng minh là một trong những mô hình kinh doanh thành công nhất trong vòng 100 năm qua, kể từ sau Thế chiến thứ II.
Nhượng quyền mô hình kinh doanh là việc doanh nghiệp nhượng quyền, người sở hữu sản phẩm hoặc hệ thống kinh doanh đã qua chứng thực thành công, cho phép các doanh nghiệp khác kinh doanh dưới tên thương hiệu của mình qua hình thức thu phí.
Doanh nghiệp đứng ra cấp phép được gọi là doanh nghiệp nhượng quyền. Cá nhân hoặc doanh nghiệp đứng ra mua quyền sử dụng thương hiệu, được gọi là đối tác nhận quyền.
Ngày nay, nhượng quyền là mô hình được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề, từẩm thực đến bán lẻ, dịch vụ. Bất kỳ ngành nghề nào có tài sản sở hữu trí tuệ, có thiết lập hệ thống kinh doanh hiệu quả đều có thể nhượng quyền, ngay cả đối với ngành thương mại điện tử đang nở rộ hiện nay.
Vì lịch sử ngành nhượng quyền đã có từ cả trăm năm nay, doanh nghiệp tại những quốc gia phát triển nhưở Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật, Úc xem đây là mô hình chủ đạo để phát triển ra thị trường thế giới.
Cũng vì vậy, không ngạc nhiên khi nhiều thương hiệu quốc tế chọn hình thức này để thâm nhập thị trường Việt Nam.
Kể từ khi nước ta gia nhập WTO năm 2007, ngành bán lẻ và nhượng quyền của chúng ta bắt đầu có tín hiệu khởi sắc. Circle K bước vào thị trường năm 2009. Tiếp theo là sự xuất hiện của Domino’s năm 2010, Burger King năm 2011 và năm 2012 đánh dấu 10 năm KFC có mặt tại thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, dù đã có mặt từ 10 năm trước, KFC chỉ thực sự bắt đầu phát triển hệ thống trong mấy năm trở lại đây. Năm 2013 và 2014 đánh dấu sự sôi động của thị trường với sự xuất hiện của hai thương hiệu khổng lồ Starbucks và McDonald’s. Có thể nhận thấy nước ta đang trở thành thị trường được chú ý đối với các thương hiệu quốc tế và khu vực.
Bên cạnh các thương hiệu quốc tế lớn kể trên, các thương hiệu nhượng quyền châu Á cũng bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, có thể kể một số thương hiệu khu vực tiêu biểu như Jollibee (Philippines), BreadTalk (Singapore), The Pizza Company, Thai Express (Thái Lan), Cafe Bene (Hàn Quốc), Chattime (Đài Loan), v.v…
Với việc nước ta đã ký kết các hiệp định kinh tế khu vực và quốc tế, thị trường nhượng quyền chắc chắn sẽ đón nhận hàng loạt những thương hiệu mới trong tương lai. Theo website của Bộ Công thương, từ năm 2009 đến nay đã có 122 thương hiệu quốc tế đăng ký nhượng quyền vào nước ta.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhượng quyền chủ yếu dừng lại ở mô hình nhượng quyền cấp 1 (hay còn gọi là nhượng quyền độc quyền) khi thương hiệu quốc tế trao quyền cho một doanh nghiệp nội địa phát triển hệ thống chi nhánh trên toàn lãnh thổ dưới hình thức tự đầu tư và kinh doanh, hay còn gọi là phát triển hệ thống chuỗi.
Rất ít thương hiệu quốc tế tại nước ta phát triển thị trường qua hình thức nhượng quyền cấp 2 (hay còn gọi là nhượng quyền thứ cấp) khi đối tác cấp 1 tiếp tục nhượng quyền từng chi nhánh hoặc từng khu vực (ví dụ khu vực Đà Nẵng) cho một đối tác thứ cấp tiếp theo như cách làm tại các thị trường phát triển.
Ba lý do chính khiến thị trường nhượng quyền cấp 2 chưa phát triển gồm: (1) hiểu biết đúng của nhà đầu tư về trách nhiệm của đối tác nhận quyền, (2) nguồn hỗ trợ tài chính khi mua nhượng quyền, (3) sự hạn chế các mô hình nhượng quyền hiện đang triển khai nhượng quyền thứ cấp.
Nhượng quyền đòi hỏi người đầu tư phải tuân thủ theo quy định, quy trình và hệ thống của doanh nghiệp nhượng quyền, điều này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần tự sáng tạo, tự quyết định theo ý kiến riêng của người làm chủ hiện đang phổ biến ở nước ta.
Do đó, không phải ai cũng có thể hoạt động được trong khuôn khổ kỷ luật của mô hình nhượng quyền.
Tại những quốc gia phát triển, nhượng quyền là một trong những ngành được các ngân hàng và tổ chức tài chính tích cực tham gia cho vay tín chấp, từ cho vay tổng đầu tư dự án (lên đến 70% tổng chi phí đầu tư) đến cho vay mua trang thiết bị, máy móc, hay vay vốn lưu động để phát triển kinh doanh.
Chính doanh nghiệp nhượng quyền trong nhiều trường hợp cũng triển khai cho đối tác nhận quyền vay vốn khi cần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống nhượng quyền.
Nhượng quyền thứ cấp cũng vì vậy mà phát triển nhanh chóng tại các quốc gia này. Tại Việt Nam, hiện chưa có một tổ chức hay ngân hàng nào chính thức công bố việc cho vay tín chấp cho đối tác nhận quyền. Tuy nhiên, đã có một vài trường hợp ngân hàng cho vay mua tài sản theo hình thức thế chấp tài sản đã mua.
Chính vì hai lý do này mà nhượng quyền thứ cấp đến nay vẫn chưa được triển khai rộng rãi và số lượng thương hiệu thực sự tham gia nhượng quyền thứ cấp tại nước ta còn đếm trên đầu ngón tay.
Một số thương hiệu công bố hoặc đã bắt đầu nhượng quyền thứ cấp như Jollibee, KFC, Texas Chicken, Cafe Bene, BBQ King, Auntie Anne’s… đều vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu.
Đối với thương hiệu nội địa, nhượng quyền có thể nói là một trong những mô hình tiềm năng nhất giúp doanh nghiệp phát triển hiệu quả, không những tại thị trường trong nước mà còn có thể vươn ra khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, do lịch sử phát triển ngành nhượng quyền tại nước ta còn khá mới, nên việc hiểu đúng và áp dụng mô hình như thế nào hiện vẫn còn là thử thách lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng cập nhật kiến thức về ngành.
Ba bước cơ bản nhất doanh nghiệp Việt cần làm ngay lúc này là xác định tính khả thi của mô hình nhượng quyền đối với ngành nghề mình đang kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp hay tập trung củng cố và phát triển nội lực doanh nghiệp trước khi chuyển sang áp dụng mô hình nhượng quyền, và cuối cùng là xây dựng nền tảng hỗ trợ thiết yếu trong nhượng quyền bao gồm nền tảng thương hiệu và tiếp thị, nền tảng vận hành và cung ứng, nền tảng nhân lực và đào tạo, cuối cùng là nền tảng phát triển hệ thống nhượng quyền.
Bốn nền tảng này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp nhượng quyền. Nếu doanh nghiệp vội vàng nhượng quyền mà thiếu đi những chuẩn bị nền tảng này, rủi ro thất bại của hệ thống sẽ rất cao.
Nhượng quyền là một mô hình giao thông hai chiều về mọi ý nghĩa. Ở góc độ thị trường, nhượng quyền cần có chiều vào của các thương hiệu quốc tế và chiều ra của các thương hiệu Việt.
Ở góc độ kinh doanh, doanh nghiệp nhượng quyền và đối tác nhận quyền cần hiểu rõ và đi đúng làn đường của mình nếu muốn cho hệ thống nhượng quyền hoạt động. Khi một bên lấn sân hay đi không đúng làn đường quy định, tai nạn xảy ra là tất yếu. Rủi ro trở thành rủi ro chung cho cả đôi bên.
Theo Nguyễn Phi Vân
Doanh nhân Sài Gòn