Top 10 Công ty Du lịch uy tín & Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2024
Ngày 06/12/2024, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty Du lịch uy tín & Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2024.
Top 10 Công ty Du lịch uy tín & Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2024 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên ba tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính từ năm 2023 đến nay; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2024.
Danh sách 1: Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2024, tháng 12/2024
Danh sách 2: Top 5 Khách sạn uy tín năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Top 5 Khách sạn uy tín năm 2024, tháng 12/2024
Danh sách 3: Top 5 Resort uy tín năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Top 5 Resort uy tín năm 2024, tháng 12/2024
Kỳ vọng “khởi đầu ấn tượng, hứa hẹn bứt phá”
Ngành Du lịch & Khách sạn, Resort Việt Nam bước vào năm 2024 với nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện qua sự tăng trưởng doanh thu ở cả lĩnh vực du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm, doanh thu từ du lịch lữ hành ước đạt 50,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 602,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 12,5% so với năm 2023. Những con số này cho thấy đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch sau giai đoạn đầy biến động.
Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh lại có sự phân hóa rõ rệt. Theo khảo sát của Vietnam Report, mặc dù doanh thu tiếp tục tăng trưởng ổn định, áp lực về chi phí lại gia tăng, thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo sụt giảm lợi nhuận tăng từ 7,2% lên 11,1%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức lớn trong việc kiểm soát chi phí và duy trì biên lợi nhuận. Đặc biệt, chi phí vận hành tăng, yêu cầu đầu tư vào công nghệ số hóa, và áp lực chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững đang tạo ra những gánh nặng tài chính không nhỏ.
Hình 1: Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2023-2024
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Du lịch & Khách sạn, Resort, tháng 10/2023-2024
Năm 2025 không chỉ được kỳ vọng là năm của sự phục hồi mà còn là thời điểm để toàn ngành chuyển mình mạnh mẽ hơn, hướng tới phát triển bền vững. Mặc dù vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, những tháng đầu năm được kỳ vọng sẽ mang lại tín hiệu tích cực nhờ đây là mùa cao điểm đón khách quốc tế. Kỳ vọng này được phản ánh rõ nét trong kết quả khảo sát của Vietnam Report khi có tới 71,4% doanh nghiệp bày tỏ niềm tin vào một bức tranh khả quan hơn trong năm 2025. Sự lạc quan của các doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào mục tiêu đầy tham vọng mà ngành du lịch Việt Nam đặt ra cho năm tới. Theo đó, ngành hướng tới đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp 8-9% vào GDP. Đồng thời, ngành dự kiến tạo ra 6,3 triệu việc làm, trong đó có 1,2 triệu việc làm trực tiếp, phản ánh nỗ lực không chỉ phục hồi mà còn vươn lên mạnh mẽ, hướng tới phát triển bền vững và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Hình 2: Triển vọng ngành Du lịch & Khách sạn, Resort năm 2025
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Du lịch & Khách sạn, Resort, tháng 10/2024
Yếu tố chính tác động đến ngành Du lịch & Khách sạn, Resort dưới góc nhìn doanh nghiệp
Kinh tế vĩ mô
Sự phục hồi kinh tế trong năm 2024 mang lại tín hiệu tích cực cho ngành Du lịch - Khách sạn, Resort đặc biệt khi các yếu tố như tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát dần ổn định tạo ra môi trường thuận lợi cho chi tiêu tiêu dùng. Khi thu nhập cá nhân được cải thiện, người dân có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động giải trí và nghỉ dưỡng, từ đó thúc đẩy nhu cầu trong ngành du lịch nội địa và quốc tế.
Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và nằm trong nhóm cao nhất khu vực đã tạo nền tảng vững chắc để củng cố sức mua trong nước, đặc biệt ở tầng lớp trung lưu và cao cấp. Điều này góp phần thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa và quốc tế, khi người dân ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho các hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí. Đồng thời, sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới cũng mang lại lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam, khẳng định vị thế của đất nước như một điểm đến du lịch hấp dẫn. Đáng chú ý, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một điểm đến an toàn, ổn định và thân thiện. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng khi du khách quốc tế ngày càng ưu tiên lựa chọn các quốc gia mang lại cảm giác an tâm, từ môi trường chính trị ổn định đến các tiêu chuẩn an toàn trong dịch vụ và điểm đến.
Sự dịch chuyển tiêu dùng
Hình 3: Mức chi tiêu cho du lịch
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng Du lịch & Khách sạn, Resort, tháng 11/2023-2024
Sau giai đoạn kinh tế biến động với lạm phát gia tăng, giá cả hàng hóa leo thang và khủng hoảng địa chính trị, người tiêu dùng đã có xu hướng tiết kiệm và tập trung chi tiêu vào các nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc và nhiều chính sách kích cầu du lịch được triển khai, ngành Du lịch & Khách sạn, Resort đã ghi nhận những tín hiệu tích cực ban đầu. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng tăng mức chi tiêu cho du lịch đã tăng đáng kể, đạt 48,1%, so với chỉ 27,6% trong năm 2023. Đây là một sự cải thiện ấn tượng, phản ánh xu hướng phục hồi mạnh mẽ của ngành này và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng.
Hình 4: Sự thay đổi của khách du lịch trong lựa chọn kênh đặt dịch vụ du lịch
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng Du lịch & Khách sạn, Resort, tháng 11/2023-2024
Khuynh hướng dịch chuyển từ mua sắm trực tiếp sang các kênh trực tuyến đã tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Theo kết quả khảo sát Xu hướng tiêu dùng 2024 của Vietnam Report, tỷ lệ đặt dịch vụ qua các ứng dụng du lịch (Traveloka, Booking.com...) đã tăng mạnh từ 31,4% năm 2023 lên 71,4% năm 2024, trở thành kênh được ưa chuộng nhất. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi tính tiện lợi, khả năng so sánh giá và đánh giá, cùng với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ các nền tảng này. Tương tự, đặt qua website của công ty du lịch cũng tăng từ 26,5% lên 57,1%, cho thấy các doanh nghiệp đã đầu tư hiệu quả vào cải thiện giao diện và tối ưu hóa trải nghiệm trực tuyến. Bên cạnh đó, tỷ lệ đặt qua sàn thương mại điện tử và mạng xã hội (Facebook, Zalo,…) cũng tăng đáng kể, lần lượt đạt 37,7% và 35,1% trong năm 2024. Những kênh này đang ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến nhờ sự tiện lợi, tương tác nhanh chóng và các chương trình giảm giá độc quyền. Ngược lại, các kênh truyền thống như đặt trực tiếp tại văn phòng đại lý hoặc với nhà cung cấp tại điểm du lịch ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt, phản ánh xu hướng ưu tiên các nền tảng trực tuyến hiện đại. Sự chuyển dịch này được thúc đẩy bởi quá trình số hóa ngành du lịch, sự phát triển công nghệ và thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch, khi khách hàng ngày càng tìm kiếm những phương thức đặt dịch vụ nhanh chóng, minh bạch và linh hoạt hơn.
Sự bùng nổ của số hóa
Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) đã thay đổi cách các doanh nghiệp du lịch tương tác với khách hàng. AI giúp tối ưu hóa chiến lược marketing thông qua việc phân tích dữ liệu lớn (Big Data), từ đó hiểu rõ hơn nhu cầu và hành vi khách hàng. Công nghệ này hỗ trợ trong việc cá nhân hóa các chiến dịch tiếp thị, như cung cấp gợi ý điểm đến, dịch vụ hoặc kế hoạch du lịch phù hợp với từng khách hàng. Chatbot tích hợp AI cũng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc khách hàng, hỗ trợ 24/7, giúp nâng cao trải nghiệm đặt tour, khách sạn hoặc vé máy bay. Bên cạnh đó, VR và AR giúp khách hàng "trải nghiệm thử" các điểm đến trước khi quyết định. Du khách có thể tham quan các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoặc các điểm du lịch thông qua VR, giúp họ hình dung rõ hơn về chuyến đi. AR lại tạo ra các tương tác độc đáo, như việc cung cấp thông tin lịch sử, văn hóa của một địa danh thông qua thiết bị di động, nâng cao trải nghiệm thực tế của du khách tại điểm đến.
Chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp Du lịch & Khách sạn, Resort trong năm 2025
Trong bối cảnh công nghệ số bùng nổ, mạng xã hội và các website trực tuyến đã trở thành công cụ chủ đạo trong hành trình tìm kiếm và đặt dịch vụ của người tiêu dùng. Không chỉ là nguồn thông tin, những nền tảng này còn tạo điều kiện để khách hàng chia sẻ trải nghiệm, đánh giá chất lượng dịch vụ và so sánh giá cả một cách nhanh chóng. Trước xu hướng này, các doanh nghiệp Du lịch & Khách sạn, Resort đã kịp thời chuyển đổi chiến lược tiếp thị, tập trung vào việc nâng cao hình ảnh thương hiệu và đẩy mạnh hoạt động marketing trên các kênh số như Facebook, Instagram, YouTube, và các website chính thức. Chiến lược này được 85,7% doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu trong ngắn hạn, phản ánh vai trò quan trọng của việc cải thiện nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Hình 5: Chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Du lịch & Khách sạn, Resort, tháng 10/2024
Song song với đó, chiến lược quản trị rủi ro đã nổi lên như một trong những ưu tiên hàng đầu trong dài hạn của các doanh nghiệp ngành Du lịch & Khách sạn, Resort với tỷ lệ ưu tiên đạt 57,1%. Con số này cho thấy các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chủ động ứng phó với những tình huống bất ngờ và thách thức khó lường. Điển hình, năm 2024, toàn ngành chịu tác động nặng nề từ cơn bão Yagi, gây ra thiệt hại lớn tại nhiều điểm du lịch, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh đó, chiến lược quản trị rủi ro là chìa khóa để nhận diện và đánh giá các rủi ro tiềm ẩn từ đó doanh nghiệp có thể cải thiện khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, tăng cường sức chống chịu và phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt tổn thất trong ngắn hạn mà còn tạo nền tảng vững chắc để duy trì ổn định và phát triển bền vững trong dài hạn.
Xu hướng du lịch 2025
Hình 6: Xu hướng du lịch 2025
Nguồn: Vietnam Report
Đi để trải nghiệm
Xu hướng du lịch giai đoạn 2024–2025 đang chứng kiến sự chuyển dịch rõ rệt từ các chuyến tham quan đơn thuần sang hành trình khám phá chiều sâu, với trọng tâm là trải nghiệm văn hóa và tương tác trực tiếp tại điểm đến. Du khách hiện đại không chỉ thụ động ngắm nhìn mà còn mong muốn hòa mình vào đời sống địa phương, tham gia trực tiếp vào các sự kiện, nghi lễ hoặc hoạt động truyền thống, từ đó hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử và con người tại mỗi vùng đất. Xu hướng này phản ánh nhu cầu ngày càng cao về những giá trị chân thực, độc đáo và giàu cảm xúc trong mỗi hành trình.
Tính trải nghiệm còn được thể hiện qua sự thay đổi đáng kể trong cách du khách tổ chức chuyến đi. Theo khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ du khách lựa chọn mua tour đã giảm từ 78,1% xuống 55,0% vào năm 2024. Trước đây, khi thông tin về điểm đến còn hạn chế, việc chọn tour theo đoàn lớn là giải pháp an toàn và tiện lợi. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ, các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội đã tạo điều kiện cho du khách tự mình lên kế hoạch. Ngày nay, họ ưu tiên các chuyến du lịch tự túc, đi theo nhóm nhỏ hoặc một mình để cá nhân hóa lịch trình và tận hưởng trải nghiệm linh hoạt, sâu sắc hơn.
Ngoài việc thay đổi hình thức du lịch, lựa chọn phương tiện di chuyển cũng cho thấy rõ nhu cầu gia tăng trải nghiệm. Nếu trước đây máy bay là lựa chọn phổ biến cho hành trình dài, thì hiện tại, nhiều du khách đang chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân như ô tô tự lái. Theo kết quả khảo sát xu hướng du lịch của Vietnam Report, 46,8% du khách nội địa ưu tiên phương tiện cá nhân để tăng sự chủ động, tự do và thoải mái, thay vì phụ thuộc vào máy bay, tàu hỏa hay xe khách như trước. Đối với du khách quốc tế, nhu cầu sử dụng các tour trọn gói đang có xu hướng giảm đáng kể. Thay vào đó, họ thường tự lên kế hoạch cho chuyến đi, chỉ đặt vé máy bay, thuê xe tự lái và tự do khám phá từng địa phương theo lịch trình riêng.
Du lịch âm nhạc
Theo thống kê của chuyên trang về xu hướng thị trường Future Market Insights, thị trường du lịch âm nhạc trên toàn cầu đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2022 và dự đoán đạt 11,3 tỷ USD trong 10 năm tới, khẳng định vị thế của một xu hướng “tỷ đô” đầy tiềm năng. Đây là lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia thuộc khu vực châu Mỹ và dần lan rộng sang châu Á - Thái Bình Dương, trong đó, Việt Nam cũng đang nhanh chóng nắm bắt cơ hội và hòa mình vào xu thế này. Theo báo cáo năm 2023, người tiêu dùng Việt Nam xếp thứ hai tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tần suất tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, với tỷ lệ 41%, chỉ sau Ấn Độ (45%).
Trên thực tế, Việt Nam là một trong những nước có nhiều nghệ sĩ quốc tế đến tổ chức các sự kiện âm nhạc. Những sự kiện này luôn thu hút lượng lớn người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự, và do đó những dịch vụ du lịch phụ trợ cũng được hưởng lợi rất nhiều. Đơn cử như thời điểm nhóm Blackpink biểu diễn tại Hà Nội, Sở Du lịch ước tính, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội khoảng hơn 170.000 lượt, trong đó khách du lịch quốc tế đạt hơn 30.000 lượt. Cũng trong hai đêm diễn của nhóm này, công suất phòng các khách sạn quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình tăng 20%. Không chỉ các sự kiện âm nhạc của các nghệ sĩ quốc tế, vài năm trở lại đây, các concert mang đậm dấu ấn “thuần Việt” đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, hai chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai “say hi” đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ bởi sự đầu tư bài bản và quy mô, hai sự kiện này đã tạo nên làn sóng thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch đến với địa điểm tổ chức. Sự kết hợp giữa biểu diễn âm nhạc và du lịch tạo ra giá trị gia tăng rõ rệt, không chỉ thu hút lượng khách lớn hơn mà còn kéo dài thời gian lưu trú, đồng thời kích thích chi tiêu cho các dịch vụ như ẩm thực, mua sắm và giải trí, tạo ra giá trị gia tăng rõ rệt cho ngành Du lịch & Khách sạn, Resort.
Khám phá du lịch qua lăng kính truyền hình thực tế
Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của các chương trình truyền hình thực tế như 2 Ngày 1 Đêm, Hành trình rực rỡ, La cà hát ca, và Cuộc đua kỳ thú đã tạo ra tác động tích cực, đặc biệt đối với ngành Du lịch & Khách sạn, Resort. Không chỉ thu hút lượng lớn khán giả, những chương trình này còn trở thành công cụ quảng bá hiệu quả, giới thiệu những điểm đến hấp dẫn và nét đẹp văn hóa, phong tục tại Việt Nam. Sự kết hợp giữa yếu tố giải trí và trải nghiệm thực tế đã khuyến khích người xem khám phá trực tiếp các địa danh được giới thiệu.
Theo khảo sát của Vietnam Report, 55,8% người tham gia cho biết xu hướng du lịch của họ bị tác động bởi các chương trình truyền hình thực tế. Trong đó, 75,7% thay đổi địa điểm du lịch theo các điểm đến nổi tiếng trong chương trình. Đồng thời, 54,1% lựa chọn sử dụng dịch vụ tại các khách sạn, nhà hàng xuất hiện trong chương trình, và 45,9% ghi nhận tần suất du lịch tăng lên nhờ cảm hứng từ các chương trình này.
Hiệu ứng tích cực từ các chương trình truyền hình thực tế đã được ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước. Cụ thể, sau khi lên sóng tại các chương trình này, các địa phương thường ghi nhận lượng du khách tăng đáng kể, góp phần tạo việc làm và thúc đẩy các ngành dịch vụ liên quan như nhà hàng, khách sạn và vận tải. Bên cạnh đó, các chương trình này còn góp phần quảng bá vẻ đẹp tự nhiên, nét độc đáo trong văn hóa địa phương, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn và phát triển du lịch bền vững. Có thể khẳng định rằng truyền hình thực tế không chỉ là kênh giải trí mà còn đóng vai trò cầu nối quan trọng, giúp các điểm đến mới và ít người biết đến trở nên nổi bật hơn trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Từ “Đông sang Tây” đến “Tây sang Đông”
Trước đây, xu hướng du lịch thường ưu tiên sự dịch chuyển từ “Đông sang Tây,” với sức hấp dẫn từ kiến trúc độc đáo, công nghệ hiện đại và lối sống xa hoa. Tuy nhiên, khi thế giới trở nên "phẳng" hơn nhờ toàn cầu hóa, sự chú ý của du khách đã dần dịch chuyển. Ngày càng nhiều người tìm kiếm những giá trị văn hóa đặc sắc và trải nghiệm bản địa, khiến các điểm đến tại khu vực phía Đông, đặc biệt là châu Á, trở thành lựa chọn ưu tiên.
Xu hướng này không chỉ làm nổi bật các quốc gia châu Á như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế, mà còn thúc đẩy sự phát triển du lịch nội địa. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy 72,7% người tham gia dự kiến tập trung vào các chuyến du lịch nội địa trong năm 2025. Điều này phản ánh mong muốn ngày càng lớn của du khách trong việc hướng về cội nguồn, tìm thấy sự mới lạ và hấp dẫn ở chính những nơi thân quen nhất.
Du lịch bền vững: Từ lý thuyết đến thực tiễn
Du lịch bền vững được định nghĩa là một hướng đi dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách, các doanh nghiệp lữ hành, và cộng đồng địa phương, đồng thời bảo tồn và duy trì khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đây không chỉ là một lựa chọn chiến lược mà còn là một yêu cầu cấp bách trước sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên và các vấn đề xã hội toàn cầu. Mô hình phát triển du lịch bền vững được xây dựng dựa trên ba trụ cột cốt lõi: kinh tế, xã hội và môi trường, với mục tiêu đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố này trong toàn bộ chuỗi hoạt động du lịch.
Vai trò của Chính phủ và sự cam kết chính sách
Thuật ngữ "du lịch bền vững" (Sustainable Tourism) lần đầu xuất hiện vào năm 1996, phản ánh tầm quan trọng của việc cân bằng lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển du lịch. Tại Việt Nam, khái niệm này được ghi nhận muộn hơn, vào năm 2017, trong Luật Du lịch 2017. Đây là cột mốc quan trọng, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy ngành Du lịch & Khách sạn, Resort hướng tới các giá trị bền vững. Gần đây, Chính phủ tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này bằng việc ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023. Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh phục hồi và tăng trưởng du lịch, đồng thời nhấn mạnh yếu tố hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các chiến lược này vẫn thiếu lộ trình cụ thể và các cơ chế thực thi mạnh mẽ để cân bằng lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi xã hội cho các cộng đồng địa phương. Các chuyên gia của Vietnam Report nhận định, một trong những hạn chế lớn nhất là thiếu cơ chế liên kết và hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và du khách. Bên cạnh đó, các quy định về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ văn hóa địa phương, và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch chưa được triển khai đồng bộ. Tại nhiều địa phương, tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đang bị khai thác quá mức, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và chất lượng cuộc sống của cư dân bản địa. Ngoài ra, mức độ nhận thức và sự tham gia của người dân, đặc biệt là cộng đồng địa phương, vào các chiến lược phát triển du lịch bền vững còn hạn chế. Điều này không chỉ cản trở việc thực hiện các mục tiêu bền vững mà còn làm giảm khả năng tận dụng nguồn lực bản địa – một yếu tố quan trọng để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo và phù hợp với điều kiện từng vùng.
Để khắc phục những hạn chế này, cần thiết lập một lộ trình cụ thể hơn, bao gồm các chỉ số đo lường bền vững rõ ràng và kế hoạch hành động chi tiết. Chính phủ cần tạo ra các cơ chế hỗ trợ tài chính và chính sách khuyến khích cho các dự án du lịch bền vững, đồng thời xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng cho cộng đồng địa phương, giúp họ tham gia tích cực vào chuỗi giá trị du lịch.
Hướng tiếp cận bền vững của doanh nghiệp
Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 85,7% doanh nghiệp trong lĩnh vực Du lịch & Khách sạn, Resort nhận định rằng việc thực thi các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) có tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh. Điều này phản ánh tầm quan trọng ngày càng lớn của các yếu tố bền vững trong hoạt động của ngành. Các tiêu chí ESG không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động nội bộ mà còn nâng cao uy tín, củng cố thương hiệu và gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Hình 7: Những hành động doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện để hướng tới cam kết phát triển bền vững
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Du lịch & Khách sạn, Resort, tháng 10/2024
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, bên cạnh các yếu tố về Môi trường (E) và Quản trị (G), yếu tố Xã hội (S) đang nhận được sự chú trọng đặc biệt từ các doanh nghiệp. Trong đó, 71,1% doanh nghiệp đã triển khai các chương trình phát triển cộng đồng như hỗ trợ giáo dục, y tế và các hoạt động từ thiện. Đầu tư vào các chương trình phát triển cộng đồng mang lại tác động kép: vừa cải thiện điều kiện sống tại các khu vực du lịch, vừa giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin và thiện cảm từ người dân địa phương. Đây là nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự hợp tác lâu dài, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương vẫn còn khiêm tốn (chỉ 42,9%) đây vẫn là một chiến lược quan trọng nhằm tăng cường sự tham gia của người dân bản địa vào ngành. Với vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa, phong tục và di sản, lao động địa phương có thể mang lại cho du khách những trải nghiệm độc đáo và chân thực, tạo dấu ấn riêng cho điểm đến. Đồng thời, việc tạo cơ hội việc làm tại chỗ không chỉ giảm tỷ lệ thất nghiệp mà còn khuyến khích cộng đồng gìn giữ các giá trị truyền thống, từ đó tạo nên một vòng tuần hoàn tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa địa phương.
Người tiêu dùng dẫn lối du lịch bền vững
Hình 8: Dịch vụ khách du lịch sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để thúc đẩy phát triển bền vững
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng Du lịch & Khách sạn, Resort, tháng 11/2022-2024
Người tiêu dùng hiện nay đang thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn đến du lịch bền vững và sẵn sàng chi trả nhiều hơn để trải nghiệm những dịch vụ thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với cộng đồng. Theo khảo sát của Vietnam Report trong giai đoạn 2022-2024, xu hướng này được thể hiện rõ qua sự gia tăng tỷ lệ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ du lịch bền vững qua từng năm. Đáng chú ý, dịch vụ tham quan có mức tăng trưởng mạnh mẽ, từ 63,1% vào năm 2022, lên 75,4% vào năm 2023 và đạt 80,9% vào năm 2024. Sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và các chính sách hỗ trợ du lịch bền vững, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của họ trong việc bảo tồn thiên nhiên và di sản văn hóa.
Một điểm sáng khác là sự thay đổi trong nhận thức đối với dịch vụ vận chuyển. Đây từng là nhóm dịch vụ có tỷ lệ sẵn sàng chi trả thấp nhất, với chỉ 47,7% vào năm 2022. Tuy nhiên, đến năm 2024, tỷ lệ này đã tăng mạnh lên 66,9% cho thấy sự chuyển dịch tích cực trong hành vi của khách hàng. Sự tăng trưởng đột phá này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như các sáng kiến giảm khí thải carbon trên toàn cầu, sự phổ biến của phương tiện xanh (như xe điện và xe chạy bằng năng lượng tái tạo), cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích của Chính phủ và các doanh nghiệp trong ngành.
Hình 9: Những hành động của khách du lịch giúp phát triển du lịch bền vững
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng Du lịch & Khách sạn, Resort, tháng 11/2022-2024
Một khía cạnh khác của du lịch bền vững là vai trò của người dân địa phương trong chuỗi giá trị. Dù họ thường là nhóm yếu thế nhất nhưng lại đóng vai trò cốt lõi trong việc bảo tồn văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội tại điểm đến. Trong giai đoạn 2022–2024, tỷ lệ du khách chọn mua đặc sản từ người dân địa phương đã tăng từ 60,0% năm 2022 lên 87,6% năm 2024. Đồng thời tỷ lệ du khách cũng lựa chọn “Mua thực phẩm từ các nhà hàng địa phương thay vì các chuỗi nhà hàng” cũng duy trì đà tăng trưởng ổn định (từ 53,8% lên 69,1%). Hành động này không chỉ giúp tạo nguồn thu nhập trực tiếp mà còn duy trì các ngành nghề truyền thống, đóng góp vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa.
Đánh giá hoạt động truyền thông của ngành Du lịch – Khách sạn
Kết quả phân tích Media Coding của Vietnam Report chỉ ra những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với ngành Du lịch & Khách sạn, Resort bao gồm: (1) Hình ảnh/ PR/ Scandals; (2) Sản phẩm; (3) Giá; (4) Vị thế trên thị trường và (5) Trách nhiệm xã hội. Đáng chú ý, đã có sự hoán đổi ở ba nhóm chủ đề đầu tiên khi Hình ảnh/ PR/ Scandals vươn lên vị trí số một, phản ánh sự tập trung mạnh mẽ của doanh nghiệp vào việc xây dựng hình ảnh và định vị thương hiệu. Thay vì chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm hay cạnh tranh về giá, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng tạo dựng niềm tin và thiện cảm từ khách hàng thông qua các chiến lược truyền thông chuyên nghiệp.
Hình 10: Top 5 chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông giai đoạn 2019-2024
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Du lịch & Khách sạn, Resort từ tháng 10/2019 - 09/2024
Về chất lượng thông tin, các doanh nghiệp trong ngành Du lịch & Khách sạn, Resort được đánh giá là “an toàn” khi tỷ lệ chênh lệch giữa thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa đạt mức 10%, và đạt ngưỡng “tốt nhất” khi trên 20%. Theo thống kê trong 3 năm gần đây, chất lượng thông tin đã cải thiện đáng kể qua từng năm, không chỉ phản ánh nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp hơn trong chiến lược quản trị truyền thông. Việc duy trì tỷ lệ thông tin tích cực vượt trội mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, từ việc củng cố uy tín, nâng cao niềm tin dẫn đến tăng khả năng thu hút khách hàng và đối tác. Đây là yếu tố sống còn trong ngành Du lịch & Khách sạn, Resort, nơi mà trải nghiệm và đánh giá của khách hàng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh. Sự cải thiện liên tục trong chất lượng thông tin cũng phản ánh khả năng thích nghi nhanh chóng của các doanh nghiệp trước những yêu cầu khắt khe về minh bạch và độ tin cậy trong thời đại số hóa.
Hình 11: Chất lượng thông tin của doanh nghiệp Du lịch & Khách sạn, Resort giai đoạn 2022-2024
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành Du lịch & Khách sạn, Resort từ tháng 10/2019 - 09/2024
Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Du lịch uy tín & Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2024 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2017, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ, Ngân hàng, Bảo hiểm, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ... Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của doanh nghiệp Du lịch – Khách sạn, Resort tại Việt Nam. Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp Du lịch & Khách sạn, Resort được đăng tải trên các đầu báo, kênh có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5). Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó. Lễ công bố chính thức bảng xếp hạng và tôn vinh Top 10 Công ty Du lịch uy tín & Top 5 Khách sạn, Resort uy tín năm 2024 được tổ chức vào tháng 01 năm 2025 tại Hà Nội. Mọi chi tiết xin vui lòng truy cập website của Ban Tổ chức: https://toptenvietnam.vn/. |
Vietnam Report