Tin tức

Trang chủ » » Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2023

Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2023

15/12/2023

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ngày 15/12/2023, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2023.

Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên ba tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2023.

Danh sách Top 10 công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2023, tháng 12/2023

Tổng quan thị trường thức ăn chăn nuôi năm 2023

Thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng do nhu cầu về thịt và các sản phẩm từ sữa ngày càng tăng cao. Cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi (TACN) có chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo tăng trưởng và năng suất. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất TACN Việt Nam phần lớn đến từ nhập khẩu nước ngoài - ước tính chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu TACN trong nước, đặc biệt theo các chuyên gia ngành TACN dòng nguyên liệu họ đạm thực vật phải nhập khẩu chiếm gần 90%, như đậu tương là gần 100%. Nhìn chung, giá nhập khẩu nhiều mặt hàng TACN và nguyên liệu Việt Nam năm 2022 đều tăng so với năm 2021 trung bình tăng từ 10% đến 20%, một số mặt hàng có giá nhập khẩu tăng trên 20% như cám gạo, cám mì, bột huyết tương, bột lông vũ…

Sản lượng TACN trong năm 2022 có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, năm 2022, sản lượng TACN công nghiệp đạt 20,8 triệu tấn, giảm 4,9% so với năm 2021. Trong đó, cơ cấu sản lượng của các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 62,5% và các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 37,5%. Tính từ năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng dần tỷ trọng, dự kiến năm 2023 cơ cấu sản lượng TACN công nghiệp sẽ tiếp tục thay đổi theo xu hướng này.

Hình 1: Sản lượng TACN công nghiệp giai đoạn 2018-2022

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Cục Chăn nuôi

Bước sang năm 2023, giá nguyên liệu TACN trên thế giới có xu hướng hạ nhiệt, bên cạnh đó chi phí vận chuyển cũng ghi nhận giảm là tín hiệu tích cực cho thị trường TACN. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11, tổng khối lượng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (lúa mì, ngô, đậu tương, thức ăn gia súc) là 9,5 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thị trường nhập khẩu chủ yếu là Brazil đạt 2,46 tỷ USD tăng 15,0%; Argentina đạt 2,21 tỷ USD, giảm 33,3%; Hoa Kỳ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2022. Những ngày đầu tháng 10, để giảm bớt gánh nặng cho người chăn nuôi, các doanh nghiệp kinh doanh TACN đã đồng loạt thông báo hạ giá bán sản phẩm; đây là lần giảm thứ 5 trong năm nay.

Điểm qua những trở ngại mà ngành TACN đang phải đối mặt, các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đề cập tới 4 khó khăn chính, trong đó có những “khó khăn truyền thống”, bao gồm: (1) Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; (2) Kinh tế tăng trưởng chậm; (3) Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; và (4) Bất ổn chính trị trên thế giới.

Hình 2: Những khó khăn hàng đầu tác động tới hoạt động SXKD của doanh nghiệp TACN năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành TACN, tháng 10-11/2023

Thứ nhất, biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào. Theo dữ liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, hầu hết giá nhập khẩu các loại nguyên liệu TACN quan trọng như lúa mì, ngô, đậu tương đều có xu hướng giảm so với đầu năm nay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ năm 2022, mức giá này hiện mới trở về mức trung bình các năm trở lại đây và chưa thể quay trở lại như mức trước đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, giá nhập khẩu đậu tương hai tháng gần đây có xu hướng tăng trở lại. Diễn biến trên ảnh hưởng phần nào tới biến động chi phí đầu vào của ngành sản xuất TACN trong nước. Do đó, đây là thách thức hàng đầu của các doanh nghiệp TACN với 85,7% các doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn.

Hình 3: Diễn biến giá và sản lượng lúa mì, ngô, đậu tương theo tháng giai đoạn 2018-2023

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ  Tổng cục Hải quan

Thứ hai, kinh tế tăng trưởng chậm. Năm 2023, do lo ngại bối cảnh triển vọng tiêu cực, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu khiến giá các sản phẩm chăn nuôi bị ảnh hưởng. Mặc dù đã bước vào dịp cuối năm, nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán rất lớn, tuy nhiên đứng trước thế “gọng kìm” với giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi biến động và giá đầu vào của TACN cao, người chăn nuôi có tâm lý dè dặt, thận trọng trong việc quyết định đầu tư tái đàn dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng TACN. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, sản lượng TACN hỗn hợp sản xuất trong nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm khoảng 1,5% so với cùng kỳ. Kinh tế tăng trưởng chậm được 71,4% doanh nghiệp tham gia lựa chọn là khó khăn tác động tới việc sản xuất kinh doanh trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành. Do nhu cầu ngày càng tăng trong nước các đối thủ cạnh tranh đa quốc gia cũng ngày càng phổ biến trên thị trường. Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay, cả nước có 269 cơ sở sản xuất TACN công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh trong đó 90 nhà máy thuộc sở hữu các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) chiếm 51,3% về công suất thiết kế và 179 nhà máy thuộc sở hữu các doanh nghiệp trong nước chiếm 48,7% về công suất thiết kế. Không khó để nhận thấy với lợi thế về vốn và công nghệ các nhà sản xuất TACN trong khu vực đang chi phối thị trường và tạo ra cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Thứ tư, bất ổn chính trị trên thế giới, đặc biệt là căng thẳng giữa Nga – Ukraine từ tháng 3/2022, đã gây trở ngại đáng kể đến xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng và giá nguyên liệu TACN. Bên cạnh đó, thời gian gần đây chiến sự leo thang của cuộc xung đột Israel – Hamas khiến người dân trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu và đầu tư, ảnh hưởng gián tiếp lên thị trường TACN.

Triển vọng thị trường thức ăn chăn nuôi trong năm 2024

Trong báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa Nông nghiệp thường niên của Ngân hàng Đầu tư Rabobank, thị trường hàng hóa nông sản thế giới dự kiến sẽ hạ nhiệt trong năm 2024, mặc dù tình hình chưa hoàn toàn hồi phục nhưng triển vọng nhóm hàng nông sản vẫn tích cực hơn nhiều so với những năm trước đây. Trong nước, Cục Chăn nuôi dự báo giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ tiếp tục có xu hướng giảm từ nay tới đầu năm 2024.

Hình 4: Đánh giá tiềm năng tăng trưởng của ngành TACN trong năm 2024 so với năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành TACN, tháng 10-11/2023

Trước diễn biến tình hình giá nguyên liệu sẽ giảm nhiệt, gần một nửa số chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành tham gia khảo sát cho biết họ lạc quan và kỳ vọng tăng trưởng của ngành TACN trong năm 2024 là khả quan hơn so với năm 2023. Một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của thị trường TACN là nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, sữa và trứng.

Các chuyên gia nhận định, xu hướng chung của người tiêu dùng là tìm đến thực phẩm an toàn cho sức khỏe và phải đa dạng. Bên cạnh đó, với khối lượng công việc ngày càng nhiều thời gian nấu nướng cho bữa ăn cũng vì thế ít nhiều ảnh hưởng, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến những nguồn thực phẩm chế biến sẵn như “ready to cook” hay “ready to eat” - những thực phẩm mua về và có thể vào bếp chế biến ngay. Điều này dẫn đến sự tập trung ngày càng tăng vào sức khỏe và dinh dưỡng vật nuôi từ đó đặt ra trách nhiệm lên thị trường TACN nhiều hơn tạo ra xu hướng áp dụng công nghệ tiên tiến vào các sản phẩm tại các doanh nghiệp trong ngành.

Giải pháp để ngành thức ăn chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững

Cần nhìn lại những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải đó là những thách thức “truyền thống” và rất có thể sẽ lặp lại trong các năm kế tiếp. Theo các chuyên gia, hiện nay người chăn nuôi đã có lãi trở lại, đã có lại “hứng khởi”, dù vậy chưa thể khẳng định năm sau ngành chăn nuôi sẽ không có biến động do rủi ro về dịch bệnh cho đàn vật nuôi vẫn còn tiếp diễn. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy đây cũng chính là yếu tố tác động mạnh nhất tới việc thiết lập chiến lược của các doanh nghiệp TACN trong tương lai.

Trước bối cảnh giá nguyên liệu TACN đầu vào diễn biến thất thường và rủi ro về dịch bệnh vẫn hiện hữu, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh chiến lược cho phù hợp. Ghi nhận từ kết quả khảo sát, một số giải pháp được doanh nghiệp TACN ưu tiên thực hiện trong thời gian sắp tới, bao gồm: (1) Tập trung xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn và lợi nhuận cao; (2) Tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào; (3) Phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (Farm- Food- Feed- Fertilizer); (4) Cải tiến cơ cấu tổ chức, chính sách, quản lý của doanh nghiệp; và (5) Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sắp tới, các doanh nghiệp TACN cho biết mục tiêu trong ngắn hạn là Tập trung xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn và lợi nhuận cao; và Tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào.

Doanh nghiệp TACN nhận thấy nhu cầu của khách hàng thay đổi và phân thành nhóm khách hàng khác nhau theo từng loại sản phẩm khác nhau. Thông qua việc xây dựng nhóm sản phẩm chiến lược dựa trên tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp tập trung được nguồn lực, tối ưu hóa chi phí sản xuất và phát huy thế mạnh từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu được dự báo vẫn còn tiếp diễn lâu dài, vấn đề liên quan tới rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được các doanh nghiệp quan tâm, rủi ro về nguồn cung càng được chú trọng hơn. Trong giai đoạn giá nguyên liệu thế giới tăng cao, doanh nghiệp cho biết đã tìm kiếm các nguyên liệu thay thế, đặc biệt là tìm kiếm các nguyên liệu trong nước như chuyển sang dùng cám gạo, tấm gạo nhiều hơn, dùng gạo lứt để thay thế cho những nguyên liệu nhập khẩu như ngô hay lúa mì.

Về dài hạn, các doanh nghiệp tiếp tục các chiến lược mang tính bền vững như Phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (trang trại (Farm) - thực phẩm (Food) - thức ăn chăn nuôi (Feed) - phân bón hữu cơ (Fertilizer) hay Phát triển bền vững, bảo vệ môi trường được các doanh nghiệp ưu tiên thiết lập.

Doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi kiến nghị giải pháp tới Chính phủ

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp trong ngành, thời gian vừa qua những chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ ngành sản xuất và kinh doanh TACN đã có tác dụng đáng kể. Từ một nước có sản lượng TACN còn khiêm tốn trong khu vực thì nhiều năm nay Việt Nam đã vươn lên đứng đầu ASEAN và đứng Top 10 thế giới về sản xuất TACN, thủy sản, theo báo cáo Triển vọng Nông sản Alltech năm 2023. Được biết, Chính phủ đã có chính sách điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô giảm từ 5% xuống 2% từ cuối tháng 12/2021. Đối với mặt hàng đậu tương, tháng 11 năm nay, sau khi phối hợp với các bộ ngành và hiệp hội rà soát, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ điều chỉnh thuế suất theo 2 phương án, một là giữ nguyên mức thuế suất MFN (thuế tối huệ quốc) như hiện hành, hai là điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN từ 2% xuống 1%. Nếu thực hiện phương án hai sẽ giảm tải được phần nào áp lực lên giá TACN vốn ở mức cao khi mà đậu tương là nguyên liệu đầu vào quan trọng của ngành.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, cộng đồng doanh nghiệp TACN kiến nghị một số giải pháp mà Chính phủ có thể chú trọng để hỗ trợ cho thị trường. Kết quả khảo sát chỉ ra 3 chính sách được ưu tiên kiến nghị bao gồm: (1) Hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và phát triển đàn vật nuôi ở các địa phương; (2) Tổ chức quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; và (3) Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.

Hình 5: Một số giải pháp được doanh nghiệp TACN kiến nghị với Chính phủ

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành TACN, tháng 10-11/2023

Thứ nhất về vấn đề an toàn thực phẩm. Theo khuyến cáo Cục Thú y, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh ở động vật trên phạm vi diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Các chuyên gia trong ngành chia sẻ, do tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến với hơn 22.000 điểm; vấn đề nhập khẩu động vật không chính ngạch, không đạt tiêu chuẩn là những nguyên nhân khiến cho công tác kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn. 71,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát mong muốn được Hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và phát triển đàn vật nuôi ở các địa phương. Việc hỗ trợ xây dựng vùng an toàn ở các địa phương được xem là giải pháp hiệu quả thông qua các phần mềm công nghệ quản lý cơ sở, kiểm dịch nguồn gốc, chế biến động vật.

Thứ hai về vấn đề kiểm soát giá thành nguyên liệu sản xuất. Hiện nay các doanh nghiệp TACN vẫn đang đi tìm lời giải cho bài toán nguyên liệu đầu vào. Chuyên gia cho biết thị trường nguyên liệu như ngô, sắn trong nước thiếu tổ chức khi phụ thuộc khá nhiều vào thương lái, đại lý làm cho liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp bị yếu, ngoài ra chất lượng sản phẩm chưa cao và chưa cạnh tranh được với các nước nhập khẩu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp tìm tới nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Kết quả khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 66,7% doanh nghiệp được hỏi đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa trong việc Tổ chức và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất TACN và 57,1% doanh nghiệp được hỏi đề xuất tiếp tục Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để đảm bảo kiểm soát được chi phí sản xuất TACN hiện nay.

Đánh giá hoạt động truyền thông của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi

Hình 6: Top 5 nhóm chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên truyền thông giai đoạn từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi từ tháng 10/2022-9/2023

Dữ liệu mã hóa truyền thông theo phương pháp Media Coding trên các đầu báo, kênh truyền thông có ảnh hưởng, đánh giá uy tín các doanh nghiệp trong ngành TACN thông qua hiện diện trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023 cho kết quả 5 nhóm chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên truyền thông bao gồm: (1) Trách nhiệm xã hội; (2) Hình ảnh/PR/Scandals; (3) Sản phẩm; (4) Vị thế thị trường; và (5) Khách hàng/Quan hệ khách hàng. Đáng chú ý, nhóm chủ đề Trách nhiệm xã hội có sự gia tăng đáng kể tỷ trọng thông tin so với năm trước và vươn lên vị trí thứ nhất trong 5 nhóm chủ đề. Trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp TACN đã thực hiện các hoạt động hướng đến phát triển xanh, phát triển bền vững. Thông qua hợp tác, triển khai các sáng kiến, mô hình tuần hoàn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm lượng phát thải và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó là các hoạt động hướng đến xã hội như thiện nguyện, trồng cây xanh, làm sạch môi trường biển được các doanh nghiệp TACN lan tỏa tới cộng đồng.

Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là “an toàn” khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Kết quả mã hóa cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp TACN trong nhóm đối tượng nghiên cứu của Vietnam Report đạt ngưỡng trên 20% là rất cao với 80,3% doanh nghiệp, cao hơn con số năm 2021 là 78,6%. Các hoạt động hướng đến phát triển xanh, bền vững của doanh nghiệp được ghi nhận và tôn vinh thông qua các giải thưởng mà các doanh nghiệp TACN đã đạt được trong năm vừa qua. Đây là những tin bài đã góp phần vào kết quả gia tăng tỷ lệ tin tích cực cho chất lượng thông tin của doanh nghiệp TACN.

 

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2023 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2020, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ, Ngân hàng, Bảo hiểm, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi được đăng tải trên các đầu báo, kênh có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Lễ công bố chính thức bảng xếp hạng và tôn vinh Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2023 được tổ chức vào tháng 01 năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh.

Mọi chi tiết xin vui lòng truy cập website của Ban Tổ chức: https://toptenvietnam.vn/

 

Vietnam Report

 

  




Văn bản gốc