Tin tức

Trang chủ » » Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2024

Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2024

10/06/2024

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ngày 10/6/2024, Vietnam Report công bố danh sách Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2024. Lễ vinh danh các Ngân hàng uy tín do Vietnam Report và Báo VietNamNet tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 8/2024 tại Hà Nội.

Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các ngân hàng được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật đến tháng 5/2024.

Danh sách 1: Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2024

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2024, tháng 6/2024

Danh sách 2: Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần tư nhân uy tín năm 2024

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2024, tháng 06/2024

Ngành Ngân hàng 2024: Triển vọng tích cực, tăng trưởng tốt trên nền thấp của năm 2023

Ngành Ngân hàng khởi đầu năm 2023 với đỉnh lãi suất được xác lập nhằm kiểm soát lạm phát sau những thời kỳ dịch bệnh kéo dài. Nền kinh tế có những phản ứng tiêu cực trước mức lãi suất cao, các doanh nghiệp gặp áp lực trả lãi, lượng tiền gửi tại ngân hàng tăng cao và khó để giải ngân. Ngay trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa bình quân lãi suất tiền gửi và cho vay vào cuối năm giảm hơn 2,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2022. Cùng với đó là sự phối hợp đồng bộ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về nới lỏng điều kiện cho vay, tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn trở lại sản xuất kinh doanh và những dự án đang vướng mắc. Tăng trưởng tín dụng đã bứt tốc vào cuối năm và đạt 13,8%, gần chạm ngưỡng 14,0% theo kế hoạch.

Thành tựu là vậy nhưng ngành Ngân hàng cũng thấm mệt trước tốc độ tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế lớn vẫn chứng kiến lạm phát và duy trì lãi suất ở mức cao, căng thẳng chính trị tiếp diễn và mở rộng ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến dòng lưu chuyển hàng hóa và an ninh khu vực. Những điều kiện bất lợi trên ảnh hưởng không nhỏ tới quốc gia hội nhập, có độ mở thương mại lớn như Việt Nam. Đơn hàng sụt giảm, tình hình tài chính khó khăn khiến doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất hoặc có nhu cầu vay lại không đáp ứng đủ điều kiện. Xét nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam, tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng tăng trưởng khiêm tốn ở mức 3,32% so với năm 2022. Thu nhập lãi thuần vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập hoạt động nhưng kết quả năm 2023 chỉ tăng vỏn vẹn 2,24% so với năm trước đó. Ngoài ra, mảng thu nhập ngoài lãi bị ảnh hưởng nặng nề do hàng loạt diễn biến bất lợi trên thị trường bảo hiểm, khiến doanh thu phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - bancassurance của nhiều ngân hàng sụt giảm. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng có xu hướng giảm trong khi những lo ngại về nợ xấu đã hiện hữu. Điều này phần nào cải thiện mức lợi nhuận nhưng cũng làm giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Kết thúc năm 2023, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng yếu, gần như đi ngang, kết thúc thời kỳ tăng trưởng đều và liên tục của những năm trước đó.

Hình 1: Kết quả hoạt động kinh doanh của các NHTM giai đoạn 2019-2024

Nguồn: Vietnam Report tổng hợp

Bước sang năm 2024, mức đáy lãi suất đã được ghi nhận khi lạm phát cơ bản ổn định. Việc duy trì mức lãi suất thấp xuyên suốt năm nay là điều cần thiết để kích thích tăng trưởng tín dụng, đưa dòng vốn luân chuyển, nhanh chóng lấy lại nhịp tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với đó, thị trường đã có sự thích ứng với những chính sách cứng rắn để điều tiết thị trường phát triển lành mạnh, những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ bắt đầu cho thấy hiệu quả, ngành Ngân hàng đã có những kết quả lạc quan hơn trong quý I/2024. Tổng thu nhập hoạt động tăng 8,3% so với cùng kỳ, trong khi giảm gần 3,3% so với quý IV/2023. Điểm tích cực nằm ở mức lợi nhuận sau thuế đã tăng 10,2% so với cùng kỳ và tăng 7,9% so với quý trước. Để có thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trong điều kiện lãi suất ổn định ở mức thấp, các ngân hàng cần có mức biên lãi ròng (NIM) đủ để chống đỡ khi lãi suất tiếp tục là công cụ để cạnh tranh nhằm tận dụng lợi thế chi phí vốn thấp hoặc nguồn vốn dồi dào. Việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn trong thời kỳ trước cũng có thể làm giảm áp lực trích lập trong năm 2024, từ đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến mức lợi nhuận của ngân hàng. Ngoài ra, mức lợi nhuận cao còn có thể đạt được khi ngân hàng có tăng trưởng tín dụng mạnh.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 lại khá xa con số mục tiêu. Đến cuối tháng 05, tín dụng chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023 (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ). Dư nợ tín dụng đã tăng thêm gần 327 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay nhưng vẫn xa so với mục tiêu khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế trong năm 2024. Tăng trưởng tín dụng yếu đang làm trầm trọng thêm áp lực suy giảm chất lượng tài sản, nhất là khi những con số về nợ xấu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hơn nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ mức lãi suất 5,25-5,5% liên tục từ tháng 7/2023 và bác bỏ khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới, trung bình lãi suất huy động tại các ngân hàng trong nước đang thấp hơn con số trên làm tăng áp lực tỷ giá, có thể tạo hiệu ứng bán ròng của khối ngoại. Ngay trong tháng 5, khối ngoại bán ròng khoảng 19 nghìn tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán, nâng con số bán ròng từ đầu năm đến nay lên tới 36 nghìn tỷ đồng, đây là mức bán ròng kỷ lục. Lãi suất của FED là chỉ báo quan trọng về nhiều khía cạnh, nếu mức lãi suất FED neo ở mức cao thì ngành Ngân hàng vẫn có thể phải đi tìm đáy trong năm nay.

Hình 2: Triển vọng của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm so với cùng kỳ năm trước

 

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng, cập nhật đến tháng 5/2024

Nhìn chung, dù thị trường có thể chưa hoàn toàn thuận lợi nhưng với mức nền thấp của năm 2023, ngành Ngân hàng vẫn sẽ có mức tăng trưởng tương đối tích cực. Theo kết quả khảo sát chuyên gia và các ngân hàng năm 2024 của Vietnam Report, triển vọng tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm cao hơn so với cùng kỳ với tỷ lệ 67,8%, tăng vượt bậc so với mức 14,3% trong khảo sát tương tự vào năm 2023 và cao hơn những gì đã được ghi nhận ở năm 2021 và năm 2023.

An toàn hệ thống – Thách thức lớn của ngành Ngân hàng trong năm 2024

Kết quả khảo sát ngành Ngân hàng được thực hiện bởi Vietnam Report trong tháng 5/2024 cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng của những cú sốc trong quá khứ như rủi ro lạm phát, tác động từ suy yếu của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, mức tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu… đã dần hạ nhiệt. Rủi ro công nghệ (an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu…), tội phạm tài chính gia tăng, trở thành thách thức lớn thứ hai, sau Nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn an toàn hệ thống.

Hình 3: Top 5 thách thức cho sự tăng trưởng của ngành Ngân hàng năm 2024

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng, tháng 6/2023 và 5/2024

Đến hết tháng 5/2024, đã có 29 NHTM công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Thống kê cho thấy, có 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3%, trong khi con số trên của quý I/2023 là 7 ngân hàng; có 21 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 2%, trong khi quý I/2023 chỉ có 14 ngân hàng. Sau khi lập đỉnh vào quý III/2023, tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống 2,0% vào quý IV/2023, nhưng ngay sau đó bật tăng trở lại 2,2% vào quý I/2024. Mức biến động trên được lý giải do tín dụng được giải ngân ồ ạt vào cuối năm 2023, đưa mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 13,8%, trong khi mức tăng trưởng vào cuối tháng 11 chỉ vỏn vẹn 9,15%.

Xét theo chất lượng nợ, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, có nhiều thời kỳ vượt trên ngưỡng 50% tổng nợ xấu. Áp lực nợ xấu của ngành Ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) vẫn đang ở mức rất cao, và hoàn toàn có thể được ghi nhận trở thành nợ xấu trong tương lai.

Xét theo giá trị, tổng nợ xấu của 29 ngân hàng đã tăng lên 228.000 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 103,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong vòng hai năm, tổng nợ xấu của 29 ngân hàng trên đã tăng hơn gấp đôi.

Hình 4: Tỷ lệ nợ xấu của các NHTM đến quý I/2024

Nguồn: Vietnam Report tổng hợp

Sự suy giảm chất lượng tài sản trên toàn hệ thống Ngân hàng vẫn tiếp diễn hết năm 2024 và có thể kéo dài hơn nữa. Các ngân hàng vẫn tiếp tục phải đối mặt với áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu lợi nhuận đã đề ra. Với mức nợ xấu gia tăng nhanh, việc trích lập dự phòng đã được chú trọng hơn bao giờ hết, bởi ngay khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN vẫn còn hiệu lực thì các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% số dư dự phòng cụ thể vào cuối năm 2023 và trích lập toàn bộ vào cuối năm 2024. Về giá trị, tổng trích lập dự phòng cho vay khách hàng của 29 ngân hàng trên đã đạt tới gần 197.000 tỷ đồng vào quý I/2024, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trên hiện rất thấp so với tăng trưởng nợ xấu, làm cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng liên tục giảm từ quý II/2022. Đáng chú ý, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã thấp hơn 100% từ quý II/2023. Chỉ tính riêng nhóm ngân hàng có quy mô trên 1 triệu tỷ đồng, đây đều là những ngân hàng có quy mô lớn, được hỗ trợ nhiều từ nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhà nước với dòng tiền ổn định và xếp hạng tín nhiệm cao. Nhờ vậy mà tỷ lệ bao phủ nợ xấu dù có xu hướng giảm nhưng vẫn luôn trên 160%, an toàn để phát huy lợi thế cạnh tranh, đạt được hiệu quả tốt hơn trong nửa cuối 2024 và năm 2025.

An toàn thông tin ngân hàng – Bài toán cần sự chung tay

Là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng có tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế và mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong xã hội. Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng thời gian qua đã diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy đáng kể tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Cho đến nay, trên 90% giao dịch của các ngân hàng thương mại được thực hiện trên kênh số, hơn 55% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa hoàn toàn và tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử đạt 49%. Xu hướng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt chứng kiến sự bùng nổ với mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023, đặc biệt là phương thức thanh toán qua QR Code (+242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022). Trong hai tháng đầu năm 2024, lượng thanh toán không dùng tiền mặt không ngừng gia tăng, cụ thể: qua kênh Internet tăng tương ứng 51,60% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR Code tăng 846,41% và 1.146,14% so với cùng kỳ năm 2023. Về cơ bản, “cách mạng số” đã và đang định hình một môi trường kinh doanh mới khác biệt đối với ngành, đồng thời, đặt ra những thách thức trong bài toán chuyển đổi số an toàn của ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng, rủi ro lộ, lọt dữ liệu, tấn công an ninh mạng, nhất là khi xu hướng chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở (Open Banking) đang nổi lên nhanh chóng.

Đáng chú ý, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành ngân hàng đã chứng kiến tình trạng tấn công mạng, mất tiền trong tài khoản khách hàng và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản “nóng” lên trong thời gian gần đây. Theo khảo sát của Vietnam Report, rủi ro công nghệ, bao gồm mất an ninh thông tin, rò rỉ dữ liệu, cùng với gian lận tài chính được nhận định là thách thức ngày càng nghiêm trọng, với tỷ lệ số ngân hàng quan ngại về vấn đề này tăng lên mạnh mẽ so với kết quả khảo sát năm 2023 (từ 28,6% lên 64,5%). Trên phương diện truyền thông, những sự việc lừa đảo, sự cố an ninh mạng ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm, niềm tin của khách hàng, đã được phản ánh qua lượng tin tức xoay quanh nhóm chủ đề Khách hàng/ Quan hệ khách hàng theo dữ liệu Media Coding thực hiện bởi Vietnam Report. Lượng thông tin trên đã đưa nhóm chủ đề này lọt vào top 5 nhóm chủ đề thu hút truyền thông nhất, với mức tăng 2,3% trong một năm qua. Trong khi đó, 04 nhóm chủ đề Sản phẩm/ dịch vụ, Hình ảnh/ PR/ Scandals, Tài chính/ Kết quả kinh doanh, Chứng khoán vẫn tiếp tục duy trì là những chủ đề thu hút truyền thông nhất.

Hình 5: Top 5 nhóm chủ đề thu hút truyền thông nhất

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Ngân hàng, từ tháng 5/2021 đến 4/2024

Trong thời đại số hóa, khi các phương thức, thủ đoạn của tin tặc trở nên tinh vi hơn nhờ các công nghệ cao, việc thiết lập lớp phòng thủ trước các cuộc tấn công cũng ngày càng trở nên khó khăn. Tin tặc thường tấn công từ phía người dùng, với hình thức phổ biến là giả mạo cơ quan chức năng hoặc lừa tải ứng dụng bằng những chiêu trò thao túng tâm lý khách hàng. Trong khi đó, các ngân hàng đang phải đối mặt với những thách thức không chỉ trong việc bảo vệ thông tin người dùng và hệ thống tài chính mà còn trong việc duy trì lòng tin của khách hàng và các bên liên quan, khi một số vụ việc “bốc hơi” tiền trong tài khoản của khách hàng thời gian qua chứng kiến vi phạm tiêu cực của chính cá nhân cán bộ ngân hàng.

Hình 6: Chênh lệch tin tích cực và tiêu cực theo chủ đề Khách hàng/ Quan hệ khách hàng giai đoạn 5/2021 - 4/2024

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Ngân hàng, từ tháng 5/2021 đến 4/2024

Theo kết quả phân tích truyền thông của Vietnam Report, số lượng tin tức xoay quanh vấn đề khách hàng bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản tăng mạnh từ đầu năm nay, được phản ánh trên mức chênh lệch tỷ lệ tin tiêu cực và tích cực theo chủ đề Khách hàng/ Quan hệ khách hàng. Mức chênh lệch trên có xu hướng chung giảm từ năm 2021 đến nay. Mức thấp nhất được ghi nhận vào tháng 4/2023, đạt -33% khi những tin tức tiêu cực liên quan hoạt động bancassurance và nợ xấu khổng lồ liên quan đến nhóm bất động sản mà một số ngân hàng đang nắm giữ nổ ra, thu hút đông đảo sự quan tâm của báo chí và dư luận. Lần gần nhất ghi nhận mức sụt giảm mạnh vào tháng 3/2024 với mức chênh lệch 14% khi có hàng loạt tin tức về cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tài sản, và nhiều sự việc người dân bị mất tiền khi để lộ thông tin, truy cập đường dẫn lạ. Nguyên nhân của các sự việc xảy ra có thể đến từ cả phía khách hàng và ngân hàng, nhưng đều sẽ ảnh hưởng tới tâm lý chung của những khách hàng còn lại về chất lượng dịch vụ, mức độ an tâm đối với tài sản được gửi tại ngân hàng.

Hình 7: Đánh giá của khách hàng về top 3 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, tháng 6/2023 và 5/2024

Những mối đe dọa tiềm ẩn từ các cuộc tấn công mạng và các hoạt động tội phạm tài chính cũng ảnh hưởng đến góc nhìn của của khách hàng khi đánh giá về các ngân hàng. Khảo sát người tiêu dùng được Vietnam Report tiến hành vào tháng 5/2024 cho thấy Giao dịch an toàn, bảo mật duy trì vị trí thứ hai trong số các tiêu chí được quan tâm nhất khi lựa chọn dịch vụ của một ngân hàng. Trong khi đó, việc xử lý dữ liệu khách hàng một cách an toàn và bảo mật với tỷ lệ bình chọn đạt 82,6% (+4,7% so với kết quả khảo sát năm 2023) đã vươn lên thành yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng. Như vậy, đầu tư nhiều hơn vào công nghệ bảo mật, nâng cao năng lực giám sát và quản lý rủi ro để ngăn chặn và ứng phó kịp thời với các mối đe dọa an ninh mạng và tội phạm tài chính sẽ là hành động cấp thiết mà ngân hàng cần thực hiện để khẳng định uy tín trước khách hàng, củng cố vị thế trên thị trường. Thêm vào đó, các ngân hàng cần đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg, ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, định danh và xác thực thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng qua kênh điện tử, bảo lãnh điện tử, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Ngành Ngân hàng phát huy cơ hội tăng trưởng nhờ lực đẩy từ chính sách

Với những triển vọng và thách thức đã được nhận diện, các ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report chỉ ra top 5 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành năm 2024, bao gồm: (1) Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam; (2) Các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ số; (3) Các bộ luật được sửa đổi gần đây; (4) Những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước; (5) Các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động.

Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam năm nay đứng đầu trong số những cơ hội cho sự tăng trưởng mà các ngân hàng lựa chọn với tỷ lệ 100%. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, vượt kịch bản đề ra và có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 từ 6-6,5%. Tỷ lệ bình chọn trên cũng cho thấy sự lạc quan hơn của các ngân hàng trước mức tăng trưởng GDP ấn tượng trong quý đầu năm. Tiếp theo, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, internet banking và mobile banking đã liên kết mật thiết tới hoạt động của ngân hàng. Trước những lo ngại về an toàn hệ thống, rủi ro an ninh mạng nổi cộm gần đây, ngân hàng có nền tảng công nghệ số được đầu tư bài bản, vận hành hiệu quả sẽ giúp ngân hàng hạn chế những sự cố không mong muốn, gây ảnh hưởng đến hoạt động và hình ảnh xấu trong mắt khách hàng.

Hình 8: Top 5 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong năm 2024

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng, cập nhật đến tháng 5/2024

Hai cơ hội tiếp theo đều liên quan tới những điều luật, quy định, chính sách của Nhà nước liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động của ngành Ngân hàng. Một số chính sách, quy định tiêu biểu được phân tích sau đây:

  • Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư 02 giúp các doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), giúp doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh và đầu tư. Nhằm đảm bảo đánh giá sát tình hình nợ và có nguồn lực xử lý nợ xấu (nếu xảy ra), các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bổ sung theo lộ trình (tối thiểu 50% năm 2023 và đủ 100% đến hết năm 2024), có phần bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro. Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 06/2024, tuy nhiên, để có thêm thời gian giúp các doanh nghiệp trả nợ và các ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ, Thông tư 02 hiện đang được NHNN đề xuất gia hạn hết năm 2024.
  • Văn bản số 10167/NHNN-CSTT của NHNN về việc NHNN giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các NHTM ngay từ đầu năm tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM triển khai các sáng kiến ​​cho vay nhằm đẩy mạnh giải ngân. Đây là bước thay đổi quan trọng trong chính sách điều hành của NHNN khi những năm trước đây, room tín dụng được NHNN chia nhiều đợt và yêu cầu các ngân hàng gửi đề nghị rồi xem xét nới room. Thay đổi trên cũng là cơ sở để các ngân hàng chủ động thiết lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và linh hoạt hơn.
  • Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết nhằm ổn định thị trường, duy trì hoạt động lành mạnh của toàn hệ thống, tránh thao túng thị trường và gây thiệt hại nghiêm trọng. Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của các tổ chức/cá nhân đều bị giới hạn; cấp tín dụng cho một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có. Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 tăng cường siết chặt quản lý hoạt động bancassurance - vốn đang trong gặp khó khăn do khủng hoảng niềm tin. Các ngân hàng phải thành lập công ty con, hoặc phải tạo ra liên kết, độc lập với hoạt động của NHTM, khi muốn kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm.

Nhìn chung, trên đà phục hồi của nền kinh tế hiện nay cùng với những cải cách đang từng bước được thực hiện, ngành Ngân hàng được kỳ vọng sẽ nâng đỡ thị trường, giải ngân tín dụng, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh. Song, với những khó khăn vẫn đang phải đối mặt, ngành Ngân hàng cần có những giải pháp quyết liệt hơn, tận dụng tốt hơn nền tảng tài chính, xây dựng hình ảnh thương hiệu, bồi đắp thêm niềm tin khách hàng, vươn mình khẳng định vị thế, uy tín trên thị trường.

 

     
  

Bảng xếp hạng Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2024 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản - Xây dựng, Bảo hiểm, Dược, Công nghệ, Thực phẩm - Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các ngân hàng được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 05/2023 đến tháng 04/2024. Các bài báo được phân tích và đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story - level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức - khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: Trung lập; Tích cực; Khá tích cực; Không rõ ràng; Khá tiêu cực; Tiêu cực.

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các ngân hàng, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Lễ công bố Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2024 dự kiến được tổ chức vào tháng 8 năm 2024 tại TP. Hà Nội.

  
     

 

 

Vietnam Report

 

  




Văn bản gốc