Tin tức

Trang chủ » » Triển vọng đầu tư trong thị trường M&A Việt Nam

Triển vọng đầu tư trong thị trường M&A Việt Nam

12/09/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam năm 2015 đã đạt kỷ lục trong 10 năm qua, ước đạt giá trị 5,2 tỷ USD, tăng trưởng 23,8% so với năm 2014, riêng 6 tháng đầu năm 2016 đạt trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, M&A trong ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng với mục tiêu thâm nhập và mở rộng thị trường đang là xu hướng nổi bật, sau đó là các thương vụ đáng chú ý trong lĩnh vực bất động sản.

Việt Nam bùng nổ, toàn cầu chững lại

Trong khi thị trường M&A toàn cầu có dấu hiệu tạm lắng, số lượng giao dịch tại châu Á - Thái Bình Dương cũng chậm lại, tại Việt Nam số lượng và giá trị các thương vụ M&A vẫn tiếp tục đà tăng trưởng trong năm nay. Tiếp nối những thành công của hoạt động M&A năm 2015 (trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012), 6 tháng đầu năm 2016 giá trị các thương vụ M&A ước tính đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015 và dự báo 1 năm sôi động cho các giao dịch M&A, có thể đạt mốc 6 tỷ USD. Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị, năm 2015 và nửa đầu năm 2016 đã xuất hiện các thương vụ M&A có chất lượng với quy mô hàng tỷ USD, những thương vụ có ảnh hưởng quan trọng đến nhiều ngành, nhiều thị trường và nền kinh tế nói chung.  

Năm 2015 chúng ta đã thực hiện cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước có quy mô vừa và lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ cũng như của các nhà đầu tư, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn còn chậm. Vì vậy, thị trường tiếp tục chứng kiến những động thái M&A và đầu tư chiến lược của một số tập đoàn tư nhân khi Nhà nước thoái vốn. Ngoài ra, một phong trào khởi nghiệp trong nước trỗi dậy trong năm qua, tuy chưa có những thương vụ lớn nhưng hứa hẹn tiềm năng trong những năm tới. Ngoài ảnh hưởng của xu hướng M&A thế giới và khu vực, các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực, điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản. Cùng với đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản và sự kỳ vọng vào việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cũng là một yếu tố quan trọng cho lĩnh vực M&A.

Những năm gần đây, khối ngoại luôn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam. Xét về số lượng, các thương vụ giữa doanh nghiệp nội chiếm đa số với trên 60%. Tuy nhiên, giá trị các thương vụ này chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa quanh mức 5 triệu USD, so với quy mô 30-100 triệu USD của nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, đã xuất hiện những thương vụ chuyển nhượng những công ty hoặc hệ thống có tài sản lớn, quy mô trên 1 tỷ USD. Các tập đoàn của Thái Lan, Nhật Bản, Singapore đóng vai trò chủ yếu trong  thị trường M&A tại Việt Nam. Trong khi Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại, còn Thái Lan tập trung mảng bán lẻ với mục tiêu mở rộng thị trường.

Các doanh nghiệp bán lẻ đang là đích ngắm của các thương vụ M&A.

Nhà đầu tư ngoại nhanh chân

Đi đầu các thương vụ M&A trong năm qua là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, chiếm tới 38,46% tổng giá trị. Trong đó quy mô của 2 thương vụ M&A từ Thái Lan đã chiếm 24,8% giá trị M&A năm 2015 và nửa đầu năm 2016. Đó là việc Central Group mua lại Big C Việt Nam giá 1,14 tỷ USD với tham vọng chi phối ngành bán lẻ Việt. Trước đó, cuối năm 2014 đầu năm 2015, Tập đoàn TCC của Thái Lan cũng đã mua lại hệ thống Metro tại Việt Nam. Như vậy, 2 chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam đều đã thuộc sở hữu của nhà đầu tư Thái Lan. Hay thương vụ Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Maximark, tuy không được tiết lộ giá trị, nhưng theo giới chuyên môn đây là thương vụ có giá trị lớn. Bên cạnh đó, thương vụ tỷ đô khác là Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1,1 tỷ USD, thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery… 

Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản ghi dấu ấn với 2 thương vụ JX Nippon Oil & Energy mua lại 10% Petrolimex và Koizumi mua lại 23% CTCP QH Plus. Động thái này của doanh nghiệp Nhật Bản được cho là bước đi nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới khi dự báo sức mua tại thị trường Nhật Bản có thể giảm mạnh khoảng 8% trong 5 năm tới. Cụ thể, với thương vụ mua lại 10% Petrolimex, JX Nippon Oil & Energy sẽ có thể tìm cơ hội thị trường xăng dầu tăng trưởng tốt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các tập đoàn đến từ đất nước mặt trời mọc cũng thực hiện các thương vụ mua lại các khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư. Điển hình là thương vụ Công ty Taisho của Nhật Bản mua lại các khoản đầu tư để chiếm 24% cổ phần của Dược Hậu Giang.

 M&A lĩnh vực bất động sản tiếp tục giành được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Giao dịch đáng chú ý là thương vụ giữa Keppel Land và chủ đầu tư dự án Empire City tại quận 2, TPHCM, trong đó Keppel đã nhận chuyển nhượng 40%, tương đương với 93,9 triệu USD. Trong khi đó, các doanh nghiệp đến từ Singapore tập trung mua lại các dự án và bất động sản tại TPHCM như Duxton Hotel Saigon, Empire City, Somerset Vista HCM, Kumho Asiana Plaza… Thị trường cũng chứng kiến nhiều giao dịch tài sản đầu tư (các bất động sản chủ chốt đang hoạt động), như thương vụ A&B Tower (TPHCM), khu resort The Nam Hai (Quảng Nam), TNT Tower (Hà Nội) và khu resort Six Sense Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). 

Cơ hội mở rộng

Hiện nay, tại một số công ty nhà nước cổ phần hóa, xu hướng nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn tư nhân tham gia ở tỷ lệ 20-30%, thậm chí trên 51% và chi phối công ty đã diễn ra. Điển hình như Thành Thành Công đầu tư vào Tín Nghĩa, Việt Phương vào Tổng công ty Dược, Vingroup vào Triển lãm Giảng Võ, Masan vào Vissan… Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang tiến lên trong bảng xếp hạng toàn cầu về M&A. Xét về số lượng giao dịch, các công ty có trụ sở tại Việt Nam là mục tiêu tăng trưởng tiếp theo trong những năm qua. Năm ngoái, Việt Nam đã lọt vào top 20 và đến nay đứng vị trí thứ 15 trên bảng xếp hạng.

Nhận định về triển vọng thị trường M&A năm 2016 và 2017, nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh kinh tế diễn biến tích cực với sự tham gia các hiệp định TPP, AEC và EVFTA, cũng như việc loại bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết, sẽ khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho các thương vụ M&A. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng cho rằng cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong những năm qua hoạt động M&A tại Việt Nam không ngừng gia tăng, sôi động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, tổng giá trị của hoạt động M&A phụ thuộc vào vài thương vụ lớn có giá trị cao, hơn là số lượng thương vụ và khó dự đoán có bao nhiêu thương vụ lớn sẽ hoàn tất vào nửa sau năm 2016 và 2017. Đáng chú ý, Chính phủ đang kiên định mục tiêu hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; hoàn thiện pháp luật về đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Các chuyển động chính sách gần đây như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2015 bắt đầu đi vào cuộc sống sau 1 năm có hiệu lực, cùng với hàng chục nghị định, quy định chi tiết thi hành các luật mới đã được Chính phủ ban hành, đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư - kinh doanh của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài… Đặc biệt, việc xóa bỏ các rào cản để thúc đẩy thị trường M&A phát triển lành mạnh, trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu và yếu tố thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ nói trên. Thị trường M&A cũng đang đón nhận làn sóng đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ… đổ vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Theo Trần Thanh

Sài Gòn Đầu tư

  




;

Văn bản gốc


;