Viettel Construction: Doanh nghiệp phát triển bền vững mảng truyền thống, bứt phá doanh thu các mảng mới
04/05/2021
Chuyên mục: Tin tức doanh nghiệp In trang
Sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển, Viettel Construction đã đưa cánh sóng viễn thông vương xa khắp các Tỉnh/TP trên dải đất hình chữ S. Ghi dấu đậm nét trên bản đồ phát triển hạ tầng viễn thông tại Việt Nam và thế giới.
Được thành lập từ năm 1995, Viettel Construction là đơn vị cung cấp dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, sở hữu nguồn lực lên đến 10.000 người, mạng lưới hoạt động trải dài khắp 63 Tỉnh/TP, thông qua 05 lĩnh vực kinh doanh chính: Đầu tư hạ tầng, Xây dựng dân dụng, Công nghệ thông tin, Giải pháp tích hợp và Vận hành khai thác.
Nhiều năm gần đây, Viettel Construction tạo nhiều kỳ tích với kết quả doanh thu luôn vượt qua kế hoạch kì vọng. Tiêu biểu năm 2020, Viettel Construction đạt doanh thu 6.381 tỷ đồng (vượt 106% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt 274 tỷ đồng (tương đương 138% kế hoạch). Trước đó năm 2019, kết quả lợi nhuận sau thuế của Viettel Construction đạt 181 tỷ đồng, tăng 115% kế hoạch ban đầu 158 tỷ đồng. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế đạt 147 tỷ đồng, tăng 101% với kế hoạch lợi nhuận sau thuế 145 tỷ đồng.
Năm 2020, mảng Giải pháp tích hợp của Viettel Construction đã tạo điểm nhấn bứt phá doanh thu dù mới ra mắt vào cuối năm 2019, nhưng doanh thu lĩnh vực này đã mang về hơn 1.300 tỷ đồng trong năm 2020.
Lĩnh vực Giải pháp tích hợp của Viettel Construction tập trung vào các Giải pháp năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo; Giải pháp cơ điện (điện tử, điện dân dụng...); Giải pháp ICT (wifi, camera...); Giải pháp thông minh (Smartcity,...).
Với mảng năng lượng, nhờ sở hữu nguồn nhân lực đông, có trình độ cao trên địa bàn cả nước, Viettel Construction đã coi điện mặt trời áp mái là mũi nhọn chiến lược trong giai đoạn 2021 – 2025. Trong năm 2020, Viettel Construction đã "thắng lớn" trong lĩnh vực điện mặt trời áp mái với nhiều hợp đồng lớn, nổi bật là dự án quy mô 10MWp cho dệt Đông Quang. Bên cạnh điện mặt trời áp mái, từ năm 2021, Viettel Construction cũng hướng tới lĩnh vực thi công điện gió.
Cùng với lĩnh vực năng lượng tái tạo, Viettel Construction cũng đẩy mạnh mảng cơ điện (M&E) khi đây là ngành có nhiều triển vọng tại Việt Nam nhờ tốc độ đô thị hóa cao. Trong một dự án công trình dân dụng lớn, phần M&E thường chiếm khoảng 30 - 50% tổng khối lượng. Do đó, Viettel Construction xác định đây là lĩnh vực phù hợp để tận dụng thế mạnh về nguồn nhân lực có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp công trình xây dựng.
Bên cạnh việc cung cấp các giải pháp năng lượng tái tạo, M&E, Viettel Construction cũng đẩy mạnh phát triển các dịch vụ giải pháp ICT, Smart City như camera an ninh, đèn cao áp thông minh hay các sản phẩm nhà thông minh. Đây là thị trường giàu tiềm năng trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung nâng cao chất lượng đô thị.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, điều này cho thấy chỉ riêng quy mô mảng camera an ninh hiện rất lớn, không chỉ từ hộ gia đình mà còn từ các cấp chính quyền. Trên thực tế, Viettel Construction hiện đang đẩy mạnh lắp đặt camera an ninh cũng như đèn cao áp thông minh tại các khu vực phường xã, đây là bước khởi đầu cho một "smart city". Viettel Construction đặt mục tiêu nằm trong top 5 nhà cung cấp các giải pháp năng lượng xanh, thông minh, top 10 các nhà cung cấp dịch vụ cơ điện hàng đầu Việt Nam vào năm 2025.
Việc Việt Nam ứng dụng còn thấp các giải pháp thành phố thông minh như hệ thống camera giám sát và đèn đường thông minh cho thấy tiềm năng trưởng dồi dào cho mảng Giải pháp tích hợp của Viettel Construction. Theo Viettel Construction, ngành giải pháp thông minh của Việt Nam, bao gồm thành phố thông minh và nhà thông minh sẽ có doanh thu tăng trưởng bình quân là 35% trong giai đoạn 2020-2025.
Bên cạnh những lĩnh vực trên, Viettel Construction cũng bổ sung thêm dịch vụ Homecare, bao gồm sữa chữa, bảo dưỡng các thiết bị gia đình như điều hòa, máy giặt...và đây được kỳ vọng là mảng kinh doanh đầy hứa hẹn khi quy mô thị trường rất lớn nhưng khá phân mảnh, chủ yếu đến từ các nhóm thợ cá nhân, trong khi gần như không có đơn vị lớn nào tham gia.
Tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn từ TowerCo
Bên cạnh Giải pháp tích hợp, một lĩnh vực giàu tiềm năng trong trung và dài hạn của Viettel Construction phải nhắc tới là Hạ tầng viễn thông cho thuê (TowerCo), trong đó nổi bật là cho thuê trạm phát sóng (BTS). Thay vì việc các nhà mạng tự xây hạ tầng viễn thông của riêng mình, sẽ có một doanh nghiệp đứng ra đầu tư và cho các nhà mạng như Vinaphone, Mobifone, Viettel thuê lại.
Tại Việt Nam, việc chia sẻ hạ tầng viễn thông còn khá xa lạ, tuy nhiên trên thế giới đây là xu hướng ngày càng phổ biến. Nhiều nhà mạng có xu hướng giảm bớt sở hữu các tài sản cố định thụ động như cột antenna, nhà trạm,…(bán đứt hoặc bán-thuê lại cho TowerCo) để cải thiện điều kiện tài chính và tập trung vào hoạt động cốt lõi.
Theo TowerExchange, các TowerCo trên thế giới sở hữu tới 84% trạm BTS trên thế giới với biên lợi nhuận EBITDA bình quân từ 50 - 70%, cao hơn từ 2 – 3 lần biên lợi nhuận EBITDA của các nhà mạng viễn thông (20 – 30%). Các TowerCo tại Mỹ như American Tower Co, SBA Communications, Crown Castle International Corp…đều được định giá khá cao với P/E hàng chục lần, thuộc nhóm ngành có định giá cao nhất thị trường.
Thị trường TowerCo tại Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng do mật độ thâm nhập của TowerCo thấp, chỉ 12% số trạm BTS tại Việt Nam do các TowerCo sở hữu đồng thời thị trường cũng phân mảnh, không có công ty nào chi phối thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin Truyền thông cũng đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy chia sẻ hạ tầng giữa các nhà mạng như Chỉ thị 52/CT-BTTT ngày 11/11/2019 về việc tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động; giàn xếp cho các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Gtel ký thỏa thuận dùng chung lẫn nhau 1.200 trạm vào ngày 10/06/2020.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc dùng chung hạ tầng viễn thông sẽ giúp các nhà mạng giảm chi phí đầu tư, tăng vùng phủ sóng, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dùng. Có thể nói, việc phát triển TowerCo hiện được đánh giá là xu thế tất yếu bởi các nhà mạng đang dần từ bỏ sở hữu các tài sản cố định để tập trung đầu tư vào các hoạt động cốt lõi. Về dài hạn, phát triển hạ tầng cho thuê là hướng đi phù hợp với nhu cầu phát triển hạ tầng viễn thông, 4G, 5G, IoT tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, Viettel Construction sẽ trở thành TowerCo số 1 Việt Nam và công ty sẽ đầu tư khoảng 10.000 tỷ cho lĩnh vực này, trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 60% và vốn vay chiếm 40%.
Viettel Construction sẽ vừa xây mới trạm phát sóng (BTS), vừa nhận thêm trạm từ Tập đoàn Viettel. Viettel Construction sẽ mua lại 10 nghìn trạm từ Viettel và xây mới mỗi năm 1.500 đến 3.000 trạm. Với lợi thế về số trạm vượt trội (sau khi nhận từ Viettel), Viettel Construction kỳ vọng hệ số dùng chung của công ty sẽ tăng lên 1,3 trong thời gian tới.
Báo cáo tài chính năm 2020 cho biết doanh thu TowerCo của CTR đạt 65,3 tỷ đồng, gấp 7,6 lần năm 2019 (năm đầu tiên triển khai TowerCo).
Theo đánh giá từ VCSC, mảng TowerCo sẽ mang lại doanh thu ổn định và biên lợi nhuận cao cho Viettel Construction (biên EBITDA ước tính khoảng 74%) nhờ lợi thế quy mô và chi phí thấp cũng như xu hướng thuê ngoài và chia sẻ hạ tầng giữa các nhà mạng.
Ảnh: CTR