Vượt “rào cản” trong phát triển nhân lực KH&CN
Hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện với xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN) trên thế giới, đặt nước ta vào nguy cơ tụt hậu về KH&CN so với các nước trong khu vực và thế giới, khi năng lực, tiềm lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Việt Nam còn thấp.
Vấn đề đang đặt ra những giải pháp cần thiết để vượt qua những “rào cản” trong phát triển nguồn nhân lực KH&CN ở nước ta hiện nay.
Thiếu nhà khoa học giỏi
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, xây dựng chính sách về nguồn nhân lực KH&CN, ông Đỗ Việt Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) đã cung cấp những con số thống kê quan trọng về nguồn nhân lực KH&CN của Việt Nam như: Số người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển của Việt Nam hiện nay là 164.744 người, trong đó trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên là 128.997 người (gồm 12.261 tiến sỹ, 45.223 thạc sỹ, 66.684 đại học, 4.829 cao đẳng), cán bộ kỹ thuật là 12.799 người, cán bộ hỗ trợ là 15.149 người, làm chức năng khác là 7.799 người.
Ông Đỗ Việt Trung cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà nhân lực KH&CN nước ta hiện nay đang phải đối mặt như: Sự thiếu hụt nhà khoa học giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nhân lực KH&CN phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các viện nghiên cứu, trường đại học và các thành phố lớn hay sự gắn kết, hợp tác giữa các nhà khoa học còn yếu…
Với việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP cho thấy, Việt Nam đã ngày càng hội nhập sâu với khu vực và thế giới. Hội nhập là xu thế khách quan không thể đảo ngược. Hội nhập đem lại cho đất nước nhiều thuận lợi và không ít thách thức, trong đó các rào cản về nguồn nhân lực được xem là một thách thức lớn nhất. Vì vậy, vấn đề quản lý cũng như các cơ chế, chính sách đãi ngộ và trọng dụng nhân tài, đặc biệt là nhân tài trong lĩnh vực KH&CN cần phải được hoàn thiện hơn nữa để có thể đáp ứng được yêu cầu hội nhập trong tình hình mới.
Chủ động trang bị kiến thức
Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An chia sẻ: “Trong xu thế hội nhập hiện nay, có rất nhiều yêu cầu đặt ra và đó chính là những rào cản mà chúng ta cần vượt qua. Để vượt qua các rào cản đó, mỗi người cần chủ động học tập nâng cao kiến thức cũng như tầm hiểu biết. Trong KH&CN, để vượt qua rào cản tiến gần hơn với những công nghệ mới của thế giới, để đi tắt đón đầu, chúng ta cũng cần tự trang bị cho bản thân nhiều hơn nữa những kiến thức”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, rào cản nguồn nhân lực KH&CN trong hội nhập là một trong những rào cản cần được quan tâm rất lớn của các quốc gia. Để đánh giá, định hướng và đưa ra các giải pháp nhằm loại bỏ, giảm thiểu các rào cản về nguồn nhân lực KH&CN Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, cần tăng cường nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò có tính quyết định của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế nói riêng và xã hội nói chung thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, thông tin, diễn đàn, hội thảo, tập huấn cũng như hình thành các phong trào mang tính đại trà như phong trào “khởi nghiệp và sáng tạo”.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, cần khuyến khích và phát triển các giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học thông qua việc cử theo nhóm các cán bộ đi nghiên cứu ở nước ngoài; chính sách khen thưởng kịp thời khi có bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín; Đẩy mạnh các chính sách hợp tác song phương với các trường đại học, viện nghiên cứu của các quốc gia khác…
Theo Giáo dục thời đại