Chứng khoán

Trang chủ » » Xu thế dòng tiền: Vẫn giảm chưa đủ?

Xu thế dòng tiền: Vẫn giảm chưa đủ?

07/12/2015

Chuyên mục: Chứng khoán In trang

Những đợt bán ròng của khối ngoại hầu hết đều gây ra “bão”, những nhà đầu tư cá nhân giống như thuyền nhỏ nên tránh bão...

Nhịp giảm đã được xác nhận trong tuần giao dịch vừa qua và kể cả khi có một chút chững lại, quan điểm thận trọng vẫn chiếm ưu thế.

Tuần trước các chuyên gia phỏng vấn đều cho rằng sẽ có một nhịp giảm trong ngắn hạn và điểm hỗ trợ nằm đâu đó quanh 570 điểm. Tuần này VN-Index đã xác nhận một mức hỗ trợ tại khu vực này, khi chỉ số hai lần chạm tới ngưỡng 570 điểm và phục hồi.

Tuy nhiên, các chuyên gia không đánh giá cao cơ hội trụ lại tại ngưỡng 570 điểm và tất cả đều cho rằng chưa hội tụ được các dấu hiệu đáy tại đây. Dòng tiền vào nhỏ giọt, áp lực margin còn cao và nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn là những lý do khiến mức hỗ trợ này trở nên mong manh.

Chiến lược đầu tư thận trọng vẫn được áp dụng thống nhất. Tỷ trọng nắm giữ cao nhất chỉ là 40% cổ phiếu.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Tuần giảm thứ 4 liên tục đã đưa VN-Index về tận 570 điểm. Có tới 2 phiên trong tuần này chỉ số đã bị thử thách tại ngưỡng này, đặc biệt trong phiên cuối tuần. VN-Index đã không thủng 570 điểm, theo anh chị đó có phải là dấu hiệu của đáy hay không, hay chỉ là một nhịp nghỉ trước khi giảm tiếp?

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Mặc dù kỳ vọng rằng thị trường sẽ tạo đáy ở vùng 570 điểm nhưng khách quan mà nói, những phiên chạm và test vùng hỗ trợ 570 điểm thanh khoản lại đi xuống thấp.

Theo tôi khối lượng giao dịch giảm cùng với diễn biến giao dịch thiếu tích cực từ các mã cổ phiếu lớn cũng như cổ phiếu cơ bản cho thấy thị trường vẫn sẽ khả năng giảm tiếp về vùng hỗ trợ 560 - 565 điểm.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Như tôi đã đề cập trong tuần trước, các ngưỡng hỗ trợ chỉ có tính chất tham khảo về mặt hình thức, chứ không quyêt định được được mức độ giảm của thị trường sẽ đến mức nào.

Chừng nào nước ngoài còn bán ròng, lượng margin còn cao và dòng tiền lớn vẫn ngại rủi ro thì khả năng giảm tiếp là rất lớn.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tôi đánh giá việc hồi phục của chỉ số VN-Index là một tín hiệu tích cực, nhưng chưa thể khẳng định đây là đáy của thị trường.

Vùng kháng cự sắp tới chỉ số VN-Index cần kiểm định là 580-585 điểm, xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn là giảm.

Tuy nhiên nếu VN-Index vượt kháng cự 585 điểm thành công với khối lượng tốt thì xu hướng giảm sẽ chấm dứt.

Bà Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Với tôi những phiên “cầm máu” cuối tuần chưa đủ để nói lên điều gì. Dù dự đoán thị trường sẽ hồi lại tại vùng 570 điểm, tôi cho rằng đây cũng chỉ mang tính chất chuẩn bị tinh thần.

Chưa thể khẳng định thị trường sẽ hồi phục ngay, áp lực margin vẫn lớn nên khả năng giảm tiếp vẫn còn lớn.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Tuần này thị trường cũng ghi nhận những đợt bán ròng khủng khiếp của nhà đầu tư nước ngoài, bất kể là thỏa thuận hay khớp lệnh. Tính chung 4 tuần thì cả ngàn tỷ đồng đã chảy ngược ra khỏi thị trường. Cách đây 2 tuần, anh chị cũng đã nhận định rằng thị trường không phản ứng mạnh với khả năng tăng lãi suất của FED. Vậy hiện tượng này có thể hiểu như thế nào?

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tôi cho rằng mấu chốt của đợt này là hiện tượng rút vốn ròng ở hai quỹ ETF, Market Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF) đã rút ròng 550 nghìn chứng chỉ quỹ còn với FTSE Vietnam ETF, quỹ cũng rút ròng 120 nghìn chứng chỉ quỹ trong tuần qua.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Vẫn câu chuyện cũ, việc nước ngoài bán ròng lớn tại thị trường Việt Nam nên được nhìn nhận đặt trong bối cảnh thị trường toàn cầu.

Trước viễn cảnh FED sẽ sớm tăng lãi suất, dòng tiền nước ngoài đã và đang tiếp tục bị rút ròng tại một loạt các thị trường mới nổi/thị trường biên chứ không chỉ riêng gì Việt Nam.

Đồng thời các tổ chức lớn, chẳng hạn như Morgan Stanley, tiếp tục khuyến nghị “underweight” thị trường mới nổi/thị trường biên.

Đặt trong bức tranh tổng thể đó, việc nước ngoài tiếp tục bán ròng tại thị trường Việt Nam là dễ hiểu. Ngoài ra, hiện nay các quỹ ETF Việt Nam đang ở trạng thái “discount” so với NAV nên cũng tạo ra sức ép bán ròng từ các quỹ này.

Bà Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Hiện tượng bán ròng mạnh vẫn thường xảy ra 1, 2 đợt mỗi năm nhưng chưa bao giờ khối ngoại rút hẳn vốn về, vì vậy tôi không lo ngại về nguy cơ này.

Ngay cả trong trường hợp FED tăng lãi suất, lợi suất của thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn.

Tôi chỉ có một lưu ý, không phải lần đầu tiên tôi nói điều này, đó là những đợt bán ròng của khối ngoại hầu hết đều gây ra “bão”, những nhà đầu tư cá nhân giống như thuyền nhỏ nên tránh bão.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Khả năng FED tăng lãi suất ngày càng hiện hữu và việc bán ròng của khối ngoại lại càng củng cố cho quan điểm trên.

Nhìn chung, mặc dù tôi vẫn cho rằng thị trường năm 2016 sẽ tốt hơn năm nay, nhưng việc bán ròng liên tục của khối ngoại là điều mà chúng ta không thể bỏ qua trong giai đoạn này.

Có lẽ thị trường sẽ gặp khó khăn về thanh khoản cũng như tâm lý nhà đầu tư đang xuống thấp. Động thái giao dịch khối ngoại hiện nay tương đối khó lường và nhà đầu tư cần giao dịch thận trọng hơn, nhất là các hoạt động giao dịch ngắn hạn.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Thông tin vĩ mô khá bất ngờ xuất hiện là báo cáo về sự sụt giảm dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Theo anh chị, liệu đó chỉ là những biến động mùa vụ hay có những yếu tố khác, nhất là đặt trong bối cảnh FED có thể nâng lãi suất?

Bà Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Việc dự trữ ngoại hối giảm có thể mang tính chất mùa vụ hay không tôi chưa có căn cứ xác đáng để khẳng đinh. Nhưng có thế thấy có một nỗi lo lớn hơn, đó là thị trường ngoại hối đang diễn biến rất phức tạp.

Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, rồi có thể FED tăng lãi suất đã gây ra những xáo trộn cho thị trường ngoại hối không chỉ riêng Việt Nam. Chúng ta, với vị thế của một đồng nội tệ yếu, những xáo trộn có thể gây ra những diễn biến tâm lý quá đà.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Tôi nghĩ nên nhìn nhận thông tin này một cách thận trọng. Đây là thông tin chưa chính thức, hoặc ít ra là thông tin này được trích từ nguồn không phải chính thức của Việt Nam, do đó cần phải xác minh lại tính chính xác.

Với quy mô sụt giảm lớn như vậy (báo cáo của HBSC trích nguồn dẫn số liệu sụt giảm đến 6,7 tỷ USD chỉ trong quý 3/2015), nếu là thông tin xác thực chắc chắn đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường ngoại hối. Diễn biến hiện nay không cho thấy như vậy.

Có lẽ cần chờ đợi số liệu công cố chính thức từ nguồn chính thống của Việt Nam trước khi bình luận.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Mặc dù sụt giảm dự trữ ngoại tệ của Việt Nam là một tín hiệu đáng quan ngại, tuy nhiên chúng ta cũng đón nhận rất nhiều tín hiệu vĩ mô khả quan và tích cực.

Lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp do giá dầu thô và giá các nguyên liệu cơ bản giảm giá. Có thể khẳng định lạm phát năm 2015 so với năm 2014 sẽ thấp ở mức kỉ lục trong 10 năm gần nhất. Lượng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam với đăng kí và giải ngân tiếp tục tăng mạnh so với cùng kì.

Trong khi đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp nhích nhẹ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, gây nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước…

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Đây là điều mà chúng ta cũng đã lường trước. Khi Ngân hàng nhà nước điều chỉnh biên độ tỷ giá cách đây không lâu, rồi việc giảm lãi xuất tiền gửi đô la đối với các tổ chức… chính sách tiền tệ thay đổi và mặt tiêu cực nhìn thấy là tỷ lệ dự trữ ngoại hối giảm.

Sự sụt giảm rõ ràng xuất phát từ những thay đổi chính sách, môi trường kinh tế thế giới có những thay đổi về chất. Dù sao đi nữa, Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ, tình hình kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp cũng trở nên khó khăn hơn.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Tỷ trọng giải ngân thấp tuần trước có thể giúp anh chị không chịu nhiều sức ép từ thị trường trong tuần này. Các vị thế mở hiện tại của anh chị như thế nào, anh chị có thay đổi phân bổ tỷ trọng hay không?

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi vẫn kiên nhẫn quan sát thị trường và chờ phân bổ vốn ở vùng mua tốt nhất. Danh mục khoảng 30% cổ phiếu-70% tiền mặt.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Nhìn góc độ ngắn hạn thì việc dự đoán đáy 570 điểm hay việc bắt đáy chỉ thích hợp với những người có xu hướng giao dịch ngắn hạn và nhất là cũng không phù hợp với giai đoạn hiện tại khi cơ hội lướt sóng dường như là rất nhỏ.

Thanh khoản xuống thấp, chỉ vài cổ phiếu mới có giao dịch sôi động sẽ không phải là tín hiệu tốt cho hoạt động trading.

Tôi đã kiên quyết điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu ở mức an toàn hiện nay và chỉ nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt là 40%/60% hiện nay và ưu tiên chỉ nắm giữ các cổ phiếu cơ bản tốt có triển vọng với quan điểm nắm giữ đến quý 2/2016.

Bà Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tuần trước tôi mua thăm dò tỷ trọng thấp nhưng không hiệu quả. Cổ phiếu về tài khoản không có lãi nên tôi thực hiện cắt lỗ và giữa tiền mặt.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Tiếp tục đứng ngoài thị trường. Cơ hội sẽ đến khi thị trường chứng kiến một đợt sụt giảm mạnh từ mức hiện tại.

VnEconomy

  




Văn bản gốc