Tin tức

Trang chủ » » 5 cổ phiếu nên tích lũy trong tháng 4

5 cổ phiếu nên tích lũy trong tháng 4

14/04/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Tiếp cận cổ phiếu trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5 sẽ theo từng chủ đề đặc biệt, khác với trước đây lựa chọn cổ phiếu có vốn hoá lớn biến động theo dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn dựa trên giá trị cơ bản của nền kinh tế.

Khi thực hiện nghiên cứu lựa chọn cổ phiếu đầu tư trong tháng 4, nhìn về phía trước đó là tháng 5 với tâm lý “ Sell in may and Go Away” khiến việc lựa chọn cổ phiếu khó khăn hơn. Theo khảo sát của Stock Trader’s Almanac, từ năm 1950, chỉ số Dow Jones (đại diện cho chứng khoán toàn cầu) có mức tăng trung bình chỉ +0,3% trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10, so với lợi nhuận +7,5% trong thời kỳ tháng 11 đến tháng 4. Do vậy, tiếp cận cổ phiếu trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5 sẽ theo từng chủ đề đặc biệt, khác với trước đây lựa chọn cổ phiếu có vốn hoá lớn biến động theo dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn dựa trên giá trị cơ bản của nền kinh tế.

Những cổ phiếu vốn hoá lớn như Ngân hàng đã không giúp VN-Index trong tháng 3 khi Giám đốc quỹ tiền tệ Thế giới IMF, Ms. Lagarde tin rằng Việt Nam cần có thêm nhiều hành động để tiếp tục cải thiện hệ thống ngân hàng khác với các đánh giá trước đây các ngân hàng lớn sẽ được lợi thế từ việc cơ cấu ngân hàng trong nửa đầu năm. Sự suy giảm vốn hoá của các ngân hàng trong tháng 3 lần lượt: ACB (-6,63%), BID (-6,21%), CTG (-7,39%), MBB (-6,62%), STB (-5,50%) và chỉ có VCB tăng nhẹ (+0,49%) nhờ lợi nhuận biên cải thiện. Cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ hồi phục lại trong cuối quý 3, quý 4 khi hệ thống ngân hàng vẫn duy trì nợ xấu dưới 3% và kỳ vọng tăng trưởng huy động từ khách hàng, tăng trưởng tín dụng trong năm nay lần lượt đạt 17,54% và 20,09% ( so với 14,3% và 17,3% trong năm 2015.) Do vậy, ta sẽ thấy mức tăng trưởng của ngành rõ rệt, đặc biệt là VCB, trong giai đoạn cuối năm.

Cổ phiếu vốn hoá nhỏ và cơ bản hoạt động tốt hơn VN-Index trong tháng 3 cho thấy nhà đầu tư đang tìm kiếm giá trị cơ bản tại những công ty sản xuất tiêu dùng đầu ngành EVE (+30,28%), vật liệu xây dựng CSV (+22,5%) hay điện khí BTP(+22,14%). Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục khi bước vào tháng 4 cùng với nhiều chủ đề tạo nên biến động ngắn hạn như: (i) Mùa đại hội cổ đông trong đó đặc biệt chú ý đến chiến lược mới của công ty nhằm duy trì tăng trưởng (MWG – Tiêu dùng) hay các quyết định về tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài (BMP,VNS,HTL..); (ii) Kết quả kinh doanh quý 1 (VNM– dự báo tăng trưởng lợi nhuận 15% so với cùng kỳ) hay (iii) các sự biện bất thường khác mà thị trường rất ưa thích như: chính sách chia cổ tức cao tại các công ty nhà nước nắm giữ vốn: NTP ( tăng từ 25% lên 45% bằng tiền mặt), AGF ( tăng từ 10% cổ phiếu lên 35% tiền mặt) hay chủ đề thoái vốn tiếp tục của các Tập đoàn, tổng công ty lớn.

Trước khi bắt đầu lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư nên tham khảo một kỹ năng để tránh cảm xúc trong đầu tư của một chuyên gia: Cảm xúc trong đầu tư khiến lợi nhuận của nhà đầu tư cá nhân giảm mạnh: theo dữ liệu từ BlackRock từ 1996-nay, nhà đầu tư cá nhân chỉ đạt lợi nhuận trung bình 2,11% mỗi năm so với 8,19% của chỉ số S&P 500 hay 5,34% từ trái phiếu hay thậm chí thấp hơn 2,18% tỷ lệ lạm phát bình quân. Điều này đến từ việc kiểm soát các hành vi về tài chính trong đầu tư. Để thay đổi điều này, và tránh cảm xúc khi đầu tư hãy:

(i) Đừng kiểm tra danh mục đầu tư mỗi năm phút: việc tập trung quá nhiều thời gian vào bảng giá điện tử (trừ khi bạn là một broker hay trader) do yếu tố thua lỗ dù rất ít ( for instance, -1%) cũng sẽ đem lại cảm xúc đau buồn hơn mức lợi nhuận cao hơn, (for instance, +2,5%) và xác suất xảy ra điều này khi liên tục theo dõi bảng điện là 50/50. Cảm xúc này sẽ ảnh hưởng đến việc ra quyết định đầu tư, một số TIP để thực hiện điều này là: (i) giảm giờ theo dõi bảng giá từng giây phút xuống một giờ/ngày/tuần; (i) thay vì theo dõi bảng giá, hãy dành thời gian đó nghiên cứu thực tế, đơn giản bằng cách bước ra ngoài nói chuyện với những người làm thực tế (tài xế taxi – cổ phiếu hãng taxi) hay người bán hàng (chuỗi cửa hàng bán lẻ) về Doanh số hay cảm nhận của họ về ngành hiện tại; (iii) Sử dụng điện thoại đơn giản thay vì Smart phone, điều này nghe có vẻ phi thực tế, nhưng có những nhà quản lý quỹ chỉ sử dụng điện thoại đơn giản Black Berry hay Vertu (tất nhiên :) ) và (iv) giảm các thiết bị thông tin như tablet, ipad..

(ii) Sử dụng bảng giá đơn sắc – giúp giảm cảm xúc: nghiên cứu của các nhà tâm lý học cho thấy con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi màu sắc, đặc biệt là màu xanh và đỏ, do vậy chuyển đổi bảng giá thành màu đơn sắc sẽ giúp cho nhà đầu tư it bị ảnh hưởng bới cảm xúc vui sướng ( khi giá xanh) hoặc đâu buồn (khi giá đỏ)

CII Hệ số Beta là quan trọng nhất – Giá mục tiêu 30.000

Ban quản trị CII vừa công bố chiến lược phát triển 5 năm tới, tập trung vào: (i) Các dự án hiện hữu ( khai thác quỹ đất tại Thủ Thiêm), (ii) Thâu tóm các dự án BOT/BT đã hoàn tất xây dựng và khai thác thu phí hoàn vốn, (iii) tham gia dự án quy mô lớn theo hình thức PPP ( Private-Public Partner) có sự hỗ trợ của chính phủ, (iv) tham gia vào cổ phần hoá các công ty nhà nước trong lĩnh vực cung cấp nước.

Về tài chính, CII hướng tới việc giảm tỷ lệ nợ, duy trì tăng trưởng lợi nhuận 20-25%/ năm, chi trả cổ tức bằng tiền tối thiểu 16% mệnh giá, mở rộng kênh huy động vốn mới: Trái phiếu đảm bảo thanh khoản ( kỳ hạn: 2-7 năm, lãi suất coupon: ngân hàng 12 tháng +1%) nhằm có thêm nguồn vốn lãi suất thấp,

CII đặt kế hoạch 2016 doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 62% và 36% so với 2015 chủ yếu phụ thuộc vào các giao dịch tài chính: (i) Hoàn tất hoản đổi 491,3 tỷ trị giá Trái phiếu thành 27,3tr LGC cho Metro Pacific Tollway Corporation (MPTC) đem lại 198 tỷ lợi nhuận trong quý 1; (ii) tiếp theo sẽ chuyển đổi 528,7 tỷ trong tháng 9, CII ghi nhận 230 tỷ lợi nhuận; (iii) Ghi nhận thêm 300 tỷ lợi nhuận từ thoái vốn Bất động sản và (iv) các hoạt động thu phí, xây dựng, cung cấp xử lý nước sạch đem lại 150 tỷ lợi nhuận.

Áp dụng 3 phương pháp định giá: P/E- P/B, DCF và SoTP, CII đạt định giá 27.525đ/cp, tăng 12% so với mức giá hiện tại. Công ty này dự kiến chi trả 16-20% cổ tức bằng tiền mỗi năm, tương đương với lợi tức bằng tiền trung bình 7,8% so với thị giá ngày 12/4.

Công ty này được ưa thích không phải vì yếu tố định giá mà là biến được ngược chiều với VN Index. Quan sát chỉ số Beta của CII chỉ đang là 0,63 lần tức biến động ngược chiều với thị trường, điều này tạo nên một sự đầu tư thú vị cho những ai tin rằng thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm khi chạm vùng giá 580-600.

DMC – Công ty Dược đầu tiên trình kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài – Giá mục tiêu 108.500

Domesco là công ty sản xuất thuốc Tân dược lớn thứ 2 thị trường sau DHG. Sản phẩm chính của DMC là thuốc kháng sinh ( trên 50%) và đặc biệt có lợi thế cạnh tranh với các dòng thuộc điều trị tim mạch, hô hấp với giá thấp hơn sản phẩm ngoại từ 20-30% nên thường được tiêu thụ tốt tai phân khúc trung bình. Cổ phiếu DMC đang giao dịch tại P/E 4 quý gần nhất 14,2 lần so với 13,6 của DHG và 16,3 của TRA.

Các công ty Dược phẩm đang được chú ý trong giai đoạn này khi UBCK đưa ra Dự thảo quy định rõ hơn về vướng mắc các công ty niêm yết có vốn đầu tư nước ngoài trên 51% được xem như tổ chức trong nước nhưng chỉ trong hoạt động đầu tư, phù hợp với quy định tại điều 23 của Luật đầu tư. Trước đó, những công ty ngành Dược tham gia bán lẻ không được phép có tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trên 51%, như trường hợp huỷ niêm yết tự nguyện trước đây của MKP( Mekophar - huỷ niêm yết từ 7.2012) do tham gia bán lẻ và tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại công ty đã trên 51%. Nhưng trong tương lai gần, khi Dự thảo của UBCK được thực thi thì các công ty bán lẻ, đặc biệt các công ty Dược phẩm sẽ được hoàn toàn quyết định việc tăng tỷ lệ sở hữu lên trện 51%.

DMC cũng đã chuẩn bị cho việc này, khi xin ý kiến cổ đông cho phép bỏ trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại từ 49% lên 100% và đồng thời điều chỉnh chi tiết ngành nghề đối với các mảng bán buôn, bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế,.. bỏ ngành nghề kinh Doanh bất động sản để phù hợp với quy định hiện hành.

Động lực để DMC thực hiện việc tăng tỷ lệ này có thể đến từ nhóm cổ đông chiến lược nước ngoài CFR (Abbott, Mỹ) đang sở hữu 45,9% trước dự báo khả năng SCIC sẽ thoái 34,7% tại DMC. Các cồ đông lớn khác là Deutsche Bank 4%, Vietcapital AM 4%. Phân tích về cổ đông đang nắm cổ phần lớn nhất tại DMC, Abott, cho thấy chi tiêu cho vấn đề sức khoẻ tại Mỹ vào khoảng 18% GDP, trong khi đó, tại các thị trường mới nổi, tỳ lệ này dưới 6% và đang gia tăng do nhận thức của người dân tăng dần lên. Có thể Abott đã nhìn thấy cơ hội đầu tư ngành tại các thị trường này. Theo số liệu cuối năm 2014, Doanh số từ các thị trường mới nổi đã chiếm gần 50% Doanh số toàn cầu của Abott. Công ty cũng đặt kế hoạch tăng trưởng giai đoạn 5 năm (2014-2019) tại các thị trường mới nổi là 4,6% với vũ khí chính là các thương vụ M&A với những công ty nội địa lớn điển hình là thương vụ Abott- Piramal cùa Ân Độ với giá trị mua lại tương đương 9 lần so với Doanh số và 30 lần so với EBITDA tại thời điểm mua lại năm 2010.

Giá cổ phiếu DMC đã tăng +86% trong gần 3 tháng qua là một trở ngại lớn khi quyết định đầu tư vào DMC dù Abott chưa thực hiện thương vụ tăng sở hữu tại DMC. So sánh tương đối giữa thương vụ Abott –Piramal với giả định Abott sẽ mua lại cổ phần chi phối của SCIC và định giá hợp lý trong thương vụ M&A mà Abott thường trả cho các công ty đầu ngành, DMC có trị giá 108.539đ/cp, tương đương P/E 2016 18 lần.

DQC – Tăng tưởng nhờ sự phát triển của Bất động sản và chu kỳ thay thế đèn LED – Giá mục tiêu 76.000

Ý tưởng đầu tư vào công ty Bóng đèn Điện Quang (DQC) dựa trên một mẫu tin nhỏ về Khoá Việt Tiệp. Trong năm 2015, Khoá Việt Tiệp đã có một năm đạt doanh thu kỷ lục với sản lượng gần 18 triệu ổ khoá, tăng từ 1 triệu cái kể từ năm 1994 giúp công ty này đạt 840 tỷ đồng. Điều kỳ diệu này đến từ sự tăng trưởng của thị trường bất động sản đặc biệt là phân khúc căn hộ. Nằm trong xu thế đó, DQC cũng đạt lợi nhuận tăng trưởng 34% so với kế hoạch, tương đương thu nhập trên mỗi cổ phiếu 6.414đ.

Các nhà phân tích ngành hàng tiêu dùng đặc biệt ưa thích DQC do công ty này đã có bước chuẩn bị sản phẩm đèn LED đáp ứng xu hướng sử dụng thiết bị chiếu sáng mới và điều này cũng giúp DQC phát triển mảng kinh doanh mới như chiếu sáng nông nghiệp, thuỷ sản hay đèn thông minh. Nhà máy sản xuất đèn LED của DQC sẽ đưa vào sử dụng trong quý 1/2017 sẽ giúp nâng công suất hiện tại từ 20 triệu sản phẩm/năm lên 40 triệu sản phẩm/năm.

Ta có thể thấy rõ tăng trưởng của nhu cầu đèn LED qua sự tăng trưởng doanh thu 33,8% và lợi nhuận 18,3%trong quý 1.2016 trong đó tăng trưởng thị trường trong nước 26% và đèn LED đang chiếm tỷ trong 20% doanh thu. Các nhà phân tích dự báo doanh số DQC sẽ đạt tăng trưởng 17,7% và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 5,5% do: (i) doanh thu nội đia tăng 20,4% - xuất khẩu tăng nhẹ 5%; (ii) giá bán bình quân sản phẩm (ASP) giảm nhẹ 3-5% trong khi lợi nhuận biên giảm nhẹ xuống 32% so với 33,1% năm trước; (iii) Doanh thu tài chính giảm 10,5% còn 78, 9 tỷ; (iv) Chi phí quản bá sản phẩm tăng 13,3% do chiến lược tiếp thị sản phẩm đèn LED mới, chiếm 16,5% doanh thu so với 17,1% năm trước, (v) Lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 226,2 tỷ, tăng nhẹ 7,7%.

Với mức giá hiện tại 66.500đ/cp, DQC đang giao dịch tại P/E 2016 ước tính 10,07 lần và P/E 2017 ước tính 7,3 lần.

FCN – thuộc nhóm doanh nghiệp dẫn đầu lĩn vực hạ tầng Việt Nam – Giá mục tiêu 30.600

FCN tiếp tục được theo dõi kể từ tháng 9/2014 sau khi tiếp cận công ty nằm bằng phương pháp đầu tư CANSLIM. Cho đến thời điểm này FCN vẫn duy trì được các chỉ báo CANSLIM đặc biệt công ty này tăng trưởng doanh thu 22,3% và lợi nhuận 14% ( Current Earning & Annual Earning) năm 2015 do nhận được số lượng hợp đồng thi công các dự án lớn nhất từ trước đến nay ( 80 dự án, gấp đôi so với 2014).

Tại chỉ báo N (The New Factor): FCN đang tham gia vào các dự án giao thông như tuyến metro số 1 Tp.HCM, BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Phủ Lý. Đầu tư sang thị trường nước ngoài khi đấu thầu thành công gói thầu “Xử lý nền dự án mở rộng cảng Thilawa-Myanmar”. Hợp tác đầu với nhiều đối tác nước ngoài như ký kết thỏa thuận nghiên cứu dự án đầu tư tại Phú Quốc với Quỹ đầu tư Vaults (U.A.E); ký kết hợp tác nghiên cứu đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao với FLAG ETS (Hoa Kỳ); Hợp tác nghiên cứu đầu tư dự án đường sắt với SKD – Công hòa Séc; hợp tác tín dụng với Showa Leasing (Nhật Bản)

Trong buổi trao đổi kế hoạch kinh doanh 2016, FCN đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.600 tỷ, tăng 45% so với kế hoạch năm 2015 với sự đóng góp từ: (i) thi công và cung cấp cọc (50%), (ii) xây dựng nền móng (30%), (iii) xây dựng cơ sở hạ tầng (20%). FCN đã đàm phán thành công nhiều hợp đồng thi công với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng cho năm tài chính 2016 như: Đại Quang Minh (200 tỷ đồng), dự án Long Sơn (100 tỷ đồng), dự án Phú Lý (230 tỷ đồng), và dự án cầu Hưng Hà (300 tỷ đồng).

FCN dự kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi trong quý 1/2016 cho Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ) với tổng giá trị là 132 tỷ đồng; mức giá chuyển đổi là 19.700 đồng/cổ phiếu. Theo tính toán của chúng tôi, có khoảng 13 triệu cổ phiếu đủ điều kiện để được chuyển đổi trong năm 2016, với giá chuyển đổi trong khoảng từ 19.500 đồng/cổ phiếu đến 20.400 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá thị trường hiện nay. Thặng dư của trái phiếu chuyển đổi không cao; việc này sẽ có lợi đối với cổ đông hiện hữu do các trái chủ sẽ ít có động lực để chuyển đổi trái phiếu đang nắm giữ và bán số cổ phiếu được chuyển đổi ra thị trường nhằm ghi nhận một khoản lợi nhuận trong ngắn hạn.

FCN đang giao dịch tại P/E 2016 ước tính dựa trên kế hoạch kinh doanh, chưa tính trái phiếu pha loãng là 5,3 lần với xu hướng tăng giá đến ngưỡng cản 1 năm gần nhất 23-23.400. Theo định giá tương đối, FCN có giá trị hợp lý tại giá 30.600, tương đương P/E 2016 7 lần.

SVC – Ngành xe hơi vẫn tăng trưởng – Giá mục tiêu 36.600

Tỷ trọng xe con chỉ chiếm 44% trên tổng số lượng xe ôtô đang lưu hành tại Việt Nam là một con số thấp so với mức trung bình 80% của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (theo Marketline), Quá trình đô thị hoá nhanh, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và hiện tượng Uber, Grab là yếu tố chính thúc đẩy ngành xe hơi Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hai chữ số trong năm nay. Hai sự kiện gần đây về Thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hơi dung tích nhỏ giảm và báo cáo Doanh số ô tô trong quý 1 là hai điểm tích cực nhất cho thấy cổ phiếu của ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Quốc hội thông qua giảm thuế này cho xe hơi có dung tích nhỏ dưới 2.000cm3 dần theo lộ trình sau 1/7/2016, và đến sau năm 2018 sẽ giảm mạnh để người dân tiếp cận nhiều hơn với phương tiện hiện đại, nhưng ít ảnh hưởng môi trường, trong khi các dòng xe có dung tích trên 2.000cm3 vẫn áp dụng mức thuế cao 50%, chi tiết:

 Số liệu từ Hiệp hội oto Việt Nam (VAMA) cho thấy trong tháng 3 doanh số xe hơi tăng lần lượt +112% và 51% so với tháng 2/2016 và 2/2015. Tính chung 3 tháng đầu năm, Doanh số xe hơi đã tăng 23% so với cùng kỳ năm trước với tổng sản lượng xe tiêu thụ đạt 59.685 xe. Con số ấn tượng này đóng góp từ phân khúc xe lắp ráp trong nước tăng trưởng đến 55% trong khi phân khúc xe nhập khẩu giảm 36% so với cùng kỳ do chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe trên 2.000cm3 rất cao.

Savico là nhà phân phối chính 3 thương hiệu xe con Toyota, Ford và GM với mức tăng trưởng doanh thu trong năm 2014, 2015 lần lượt là 21% và 25% tương ứng với tốc độ tăng trưởng xe du lịch do công ty này tập trung chính vào phân khúc xe con. Ban quản trị SVC tập trung vào chiến lược trở thành thương hiệu hàng đầu về dịch vụ ôtô tại Việt Nam bằng cách mở rộng phân phối thêm dòng xe tải Hino, Fuso và xe thương mai để đa dạng hoá Doanh thu, lợi nhuận biên.

Savico cũng được biết đến là công ty sở hữu bất động sản đẹp tại khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh như 115 Hồ Tùng Mâu, Q.1; 91 Pasteur Q.1; 555 Trần Hưng Đạo Q.1; 95B-97-99 Trần Hưng Đạo Q.1, 35 Đồng Khởi Q.1; 66-68 NKKN Q.1; Savico Megamall Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ.. trong đó các dự án tại Hồ Tùng Mậu đang chuyển nhượng cho Vinaland và Phổ Quang chuyển cho Novaland.

SVC đặt kế hoạch kinh doanh 2016 một cách thận trọng trong đó lợi nhuận sau thuế 100 tỷ ( tương đương năm 2015), tính trên giá đóng cửa ngày 8/11 thì SVC đang giao dịch tại P/E 7,6 lần, P/B 0,93 lần. Đây là một kế hoạch rất thận trong của ban quản trị SVC khi SVC đang là công ty dẫn đầu về phân phối các dòng xe bán chạy nhất Việt Nam. Một thông tin khác đang chú ý là kế hoạch cổ phần hoá của Tổng Công ty Bến Thành, đang chiếm 40,81% sẽ tác động tích cực đến giá cùa SVC. Giá mục tiêu 36.600 tương đương với P/E 2016 9,15 lần vẫn rất thấp so với bình quân P/E 12 lần của ngành hàng tiêu dùng tuỳ chọn.

Theo Stockbiz 

  




;

Văn bản gốc


;