Đầu tư

Trang chủ » » 5 yếu tố quyết định sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai

5 yếu tố quyết định sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai

11/03/2016

Chuyên mục: Đầu tư In trang

Tăng trưởng Kinh tế ở Trung Quốc đang chững lại, tăng trưởng ở châu Âu đang ở mức gần bằng không, và của Thế giới nói chung hiện đang trong tình trạng suy thoái. Đồng thời, sự bất bình đẳng thu nhập và bất ổn chính trị đang gia tăng trên toàn thế giới. Liệu tăng trưởng kinh tế có thể giải quyết những vấn đề này? Và bằng cách nào chúng ta có thể thực hiện được điều đó?

Peter De Keyzer, chuyên viên kinh tế cấp cao của BNP Paribas Fortis đã đánh giá vấn đề này trong cuốn sách của mình “Growth Makes You Happy” (tạm dịch “Tăng trưởng đem lại hạnh phúc”). Trong viễn cảnh dài hạn, ông bắt đầu bằng một lý thuyết đơn giản: tăng trưởng được quyết định bởi hai yếu tố: tăng dân số và tăng năng suất. Yếu tố thứ nhất dựa vào kết quả lựa chọn của mỗi cá nhân và chính phủ về vấn đề chăm sóc sức khoẻ tại mỗi quốc gia. Yếu tố thứ hai dựa vào khả năng đổi mới. Nhưng yếu tố nào sẽ giúp chúng ta lấy lại đà tăng trưởng?

  1. Cơ cấu dân số có ý nghĩa quyết định

Có thể hiểu một cách đơn giản rằng một đất nước càng có nhiều người ở độ tuổi lao động thì khả năng tăng trưởng kinh tế càng cao. Theo tờ The Economist, “người ta thường đi vay những năm 20 – 30 tuổi, tiết kiệm ở những năm 40 – 50 tuổi và bắt đầu sử dụng những gì họ tiết kiệm vào những năm 60 tuổi”. Dân số ở độ tuổi lao động (từ 16 – 65) càng cao, càng có nhiều nguồn lực để tăng trưởng kinh tế, bởi đồng thời cả hai yếu tố: khả năng sản xuất và tiêu thụ của họ.

Nguồn: Boston Consulting Group 

Điều này giải thích tại sao những quốc gia như Ý và Nhật Bản, nơi dân số đang già đi, gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tăng trưởng kinh tế so với Mỹ hay Ấn Độ, nơi dân số đang phát triển. Đương nhiên, những lựa chọn do các chính trị gia đưa ra và khả năng đổi mới của quốc gia cũng đóng một phần rất quan trọng. Nhưng “cơ cấu dân số có ý nghĩa quyết định” vẫn là một khẳng định chính xác. Về nguyên tắc, đây được coi là dấu hiệu tích cực đối với những thị trường mới nổi, khi mà sự cơ cấu tăng dân số tự nhiên vẫn được duy trì trong thời gian tới.

  1. Gia tăng dân số có thể dẫn đến nhiều bất ổn

Khẳng định nêu trên không đồng nghĩa với việc khuyến khích tăng trưởng dân số một cách bừa bãi. Khi dân số của một quốc gia tăng đột biến, quốc gia đó sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề: nghiên cứu cho thấy tỉ lệ “độ tuổi lao động” (từ 16 – 30 tuổi) càng cao, tỉ lệ xảy ra bất ổn dân sự, mất ổn định và chiến tranh càng cao.

 

 

  1. Phụ nữ là nhân tố quyết định trong việc giữ vững tỉ lệ dân số vàng

De Keyzer đã viết trong cuốn sách của mình: “Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ sinh thấp là kết quả của chính sách nhất quán về xoá mù chữ và giáo dục cho các bé gái (những bà mẹ tương lai). Xoá mù chữ, phổ cập giáo dục và giải phóng phụ nữ là những chính sách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở trẻ. Phụ nữ chính là nhân tố nắm giữ chìa khoá vàng cho việc giảm tỉ lệ sinh và thành công trong việc duy trì tỉ lệ dân số vàng.”

Một điều mà không phải ai cũng biết, khi phụ nữ được giáo dục tốt hơn, những quốc gia này có xu hướng phát triển kinh tế cân bằng, bởi tỉ lệ dân số đồng đều, tháp dân số thường có xu hướng “mở chậm” hoặc “đóng chậm” hơn là “mở nhanh”.

  1. “Nhu cầu là động lực của sáng tạo” - Plato

Đối với những quốc gia không còn khả năng phát triển yếu tố về dân số, cách duy nhất để tăng trưởng trong tương lai là tập trung cho yếu tố thứ hai: tăng năng suất. Đây là trường hợp của rất nhiều nước phương Tây, điển hình là Đức và ở châu Á có Nhật Bản.

Plato đã từng nói: “Nhu cầu là động lực của sáng tạo”. Không phải ngẫu nhiên mà “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” sắp diễn ra và những quốc gia đi đầu lại là những quốc gia như Đức và Nhật Bản. Nhật Bản đang ngày càng đầu tư vào sáng tạo sản xuất robot có trí tuệ nhân tạo có thể giải quyết hàng loạt công việc, trong khi đó Đức đang đẩy mạnh xây dựng các “nhà máy thông minh”.

  1. Chính phủ cuối cùng sẽ lựa chọn tăng năng suất

Làm thế nào để đảm bảo chúng ta sẽ gặt hái được lợi ích từ trí tuệ nhân tạo, robot, và những sáng tạo trong thế kỉ 21 khác? Việc tăng năng suất trong thế kỉ 21 phần lớn dựa vào cải tiến, và cải tiến chỉ có thể có được nếu dân số có dân trí cao, và tập trung nguồn lực vào việc nghiên cứu cải tiến. Điều này Chính phủ cần lưu ý những yếu tố sau, bao gồm: giáo dục, nghiên cứu và phát triển. Những công ty tư và thị trường tự do sẽ quyết định cải tiến có xứng đáng hay không, nhưng điều mà họ cần đó chính là nền tảng giáo dục của một quốc gia.

Tóm lại, giáo dục nắm giữ một phần quan trọng trong việc đưa đà tăng trưởng kinh tế trở lại. Để đảm bảo tăng trưởng dân số tạo đà cho tăng trưởng kinh tế ở các thị trường mới nổi, điều cần làm chính là đảm bảo tỉ lệ dân số vàng. Điều này chủ yếu dựa vào công tác giáo dục cho nữ giới. Còn với những quốc gia mà tỉ lệ dân số ở tuổi lao động giảm, để tránh việc kinh tế đi xuống, việc tập trung vào tăng năng suất là vô cùng cần thiết. Thế kỉ 21 sẽ đánh dấu tầm quan trọng của việc tập trung vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển nói chung.

Thu Thủy

Lược dịch từ World Economic Forum

  




;

Văn bản gốc


;