Tin tức

Trang chủ » » Chung tay tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường chứng khoán

Chung tay tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường chứng khoán

12/07/2023

Chuyên mục: Tin tức In trang

Thị trường chứng khoán là một cấu phần quan trọng của thị trường vốn, thị trường tài chính, giúp huy động và sử dụng nguồn vốn một cách có hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức, đòi hỏi tất cả các bên cùng tham gia gỡ rối, thúc đẩy thị trường phát triển.

Thị trường chứng khoán là một cấu phần quan trọng của thị trường vốn, thị trường tài chính, giúp huy động và sử dụng nguồn vốn một cách có hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam – đặc biệt là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp – đã và đang diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính bởi vậy, trong chín nhóm vấn đề Chính phủ xác định chỉ đạo, điều hành trong phiên họp phiên thường kỳ tháng 5 trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, có vấn đề tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Những sức ép, khó khăn trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu sức ép mạnh từ bối cảnh diễn biến địa chính trị, kinh tế vĩ mô bất ổn và chính sách tiền tệ thắt chặt của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, môi trường lãi suất cao, áp lực tỷ giá cùng với sự sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán sau loạt vụ án kinh tế, thao túng thị trường.

Trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt; sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp; cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina và các lệnh trừng phạt của Mỹ, Phương Tây đối với Nga có thể sẽ còn kéo dài, tác động đến địa chính trị, địa kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu… dự báo sẽ còn nhiều rủi ro tạo ra biến động kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm là thách thức lớn nhất đặt ra cho thị trường chứng khoán. Với hàng loạt khó khăn trong những năm dịch bệnh COVID-19 vừa qua và sự gia tăng rủi ro hệ thống tài chính thế giới gần đây sau vụ sụp đổ của các ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, dự báo GDP toàn cầu giảm thấp nhất trong hai thập kỷ gần đây. Bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của các thị trường lớn trên thế giới gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu.

Dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán vốn được kỳ vọng tạo ra sự dao động mạnh của giá cổ phiếu, ảnh hưởng đến thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư cũng diễn biến phức tạp, đan xen cả tác động tích cực và tiêu cực tới thị trường chứng khoán.

Việc thị trường trái phiếu bị nghẽn cũng gây tác động làm mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, từ đó dẫn đến các thị trường khác như bất động sản, thị trường chứng khoán… cũng bị nghẽn lại và đối mặt với sự sụt giảm.

Tóm lại, có thể thấy những sức ép, khó khăn thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu tác động chủ yếu mang tính khách quan. Kỳ vọng đặt ra là những sức ép, khó khăn ấy sẽ dần được tháo gỡ, tạo động lực cho thị trường chứng khoán hồi phục và phát triển.

Những động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố đặc biệt mang tính thúc đẩy như kinh tế vĩ mô phục hồi và ổn định, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và niềm tin của công chúng đầu tư.

Theo các chuyên gia, động lực đầu tiên để thúc đẩy thị trường chứng khoán là triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam. Phục hồi kinh tế thường đi đôi với sự tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp. Khi kinh doanh cải thiện, doanh thu và lợi nhuận của các công ty có thể tăng lên, qua đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, khi triển vọng phục hồi kinh tế tăng, các nhà đầu tư có thể có xu hướng tăng cường đầu tư vào thị trường chứng khoán, từ đó tăng cường thanh khoản và tăng giá cổ phiếu, thị trường vì thế cũng trở nên sôi động hơn. Thêm vào đó, trong quá trình phục hồi kinh tế, Chính phủ và các cơ quan quản lý có thể áp dụng các chính sách kinh tế và tài chính để thúc đẩy tăng trưởng. Những biện pháp như giảm thuế, nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đầu tư công… có thể có ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh doanh và giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Quan trọng nhất, các dấu hiệu tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế sẽ tăng cường niềm tin ở nhà đầu tư về triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán.

Động lực thứ hai để thúc đẩy thị trường chứng khoán chính là tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Rõ ràng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đại chúng đóng vai trò cốt lõi, quyết định đến niềm tin của nhà đầu tư, cải thiện khả năng tiếp cận vốn, tác động đến định giá thị trường, mang lại lợi thế cạnh tranh và củng cố mối quan hệ với các bên liên quan.

VIX50 2023_TCBC_Hinh 2

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2022 và tháng 4-5/2023

Bởi thị trường chứng khoán dần không còn là nơi để đầu tư lướt sóng nên các chuyên gia đã chỉ ra rằng chính sách cổ tức của doanh nghiệp đang dần được nhà đầu tư chú ý. Theo nghiên cứu của Vietnam Report, chính sách cổ tức đã vươn lên từ vị trí thứ 8 năm ngoái trở thành yếu tố ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng lớn thứ 6 trong năm 2023 (tăng từ 3,77 điểm lên 4,14 điểm).

Tỷ lệ tăng trưởng cổ tức có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả tài chính và sự ổn định của doanh nghiệp theo thời gian. Doanh nghiệp tuân theo chính sách cổ tức công bằng và minh bạch thể hiện các thông lệ quản trị tốt, phản ánh cam kết đối xử bình đẳng với tất cả các cổ đông và gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của các cổ đông. Điều này giúp nâng cao uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư, qua đó góp phần gia tăng niềm tin của nhà đầu tư và có khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Từ đấy, tác động tích cực đến giá cổ phiếu và vốn hóa thị trường của doanh nghiệp.

Động lực thứ ba để thúc đẩy thị trường chứng khoán là niềm tin của công chúng đầu tư. Mục tiêu tạo động lực cho thị trường chứng khoán hồi phục và phát triển, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đang là rất cần thiết đối với các công ty đại chúng tại Việt Nam.

Doanh nghiệp chung tay thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi và phát triển

Thời gian gần đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng đã có những chỉ đạo quan trọng để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế như chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… Đây là những yếu tố nội tại quan trọng, kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Đồng thời, khuôn khổ pháp lý về thị trường chứng khoán – đặc biệt là các cơ chế giám sát và điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tài chính đang tiếp tục được hoàn thiện, giúp duy trì sự ổn định của thị trường bằng cách ngăn chặn việc chấp nhận rủi ro quá mức, giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố thị trường và tác động của sự cố (nếu có), đảm bảo sự ổn định tổng thể của hệ thống tài chính. Khuôn khổ pháp lý về thị trường chứng khoán minh bạch, được quản lý tích cực sẽ thu hút dòng vốn chảy vào, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp và tạo điều kiện tiếp cận những cơ hội đầu tư toàn cầu.

Top 5 giải pháp trọng tâm cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong khảo sát các doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thị trường chứng khoán (92,3%); Tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh lọc, chấn chỉnh hoạt động thị trường (86,2%); Hiện đại hoá công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới (58,5%); Thúc đẩy cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán (51,9%); Hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu (48,1%).

VIX50 2023_TCBC_Hinh 8

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2022 và tháng 4-5/2023

Mặt khác, mặc dù đa số các yếu tố được các doanh nghiệp tin tưởng sẽ tạo đà và nâng đỡ cho thị trường chứng khoán năm 2023 liên quan đến các hành động hỗ trợ của Chính phủ, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần chung tay thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi và phát triển – đặc biệt hướng đến nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng trưởng cổ tức, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

Các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát đã chỉ ra nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến uy tín và hiệu quả của công ty đại chúng  là kết quả kinh doanh với các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như các tiêu chí về quan hệ nhà đầu tư, quản trị truyền thông, minh bạch thông tin (Hình 1).

Quản trị truyền thông là yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động trên thị trường chứng khoán, trong đó nhấn mạnh tính minh bạch và trung thực trong công bố kết quả hoạt động kinh doanh, quản lý rủi ro bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Các phương tiện truyền thông có thể có tác động đáng kể đến các doanh nghiệp đại chúng thông qua: giá cổ phiếu, nhận thức của công chúng, mối quan hệ của các bên liên quan và các quyết định chiến lược. Doanh nghiệp đại chúng phải nhận thức được sức mạnh của việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông và thực hiện các bước để quản lý nó một cách chủ động. Điều này có thể liên quan đến việc phát triển các chiến lược quan hệ công chúng mạnh mẽ, giám sát việc đưa tin của phương tiện truyền thông, phản hồi nhanh chóng và hiệu quả các câu hỏi của giới truyền thông cũng như tham gia với các bên liên quan để xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm. Từ đó, doanh nghiệp có thể điều hướng bối cảnh truyền thông phức tạp sẽ có vị trí tốt hơn để đạt được các mục tiêu chiến lược và mang lại giá trị lâu dài cho các bên liên quan.

Theo nghiên cứu của Vietnam Report, doanh nghiệp được đánh giá là chủ động về mặt truyền thông (share of voice) nếu có ít nhất 1/3 lượng thông tin về doanh nghiệp trên truyền thông cần được dẫn nguồn từ doanh nghiệp và các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp (thành viên của Ban Quản trị/Ban Lãnh đạo). Dữ liệu phân tích Media Coding (mã hoá dữ liệu báo chí) cho thấy trong giai đoạn 4/2022 - 3/2023, yếu tố này đã được cải thiện đáng kể, với 25% số doanh nghiệp trong nghiên cứu của Vietnam Report đáp ứng tỷ lệ, trong khi năm 2022 chỉ có gần 9% số doanh nghiệp và năm 2021 chỉ có khoảng 17% số doanh nghiệp. Đây là một dấu hiệu tích cực trong hoạt động quản trị truyền thông, củng cố thêm uy tín đối với các doanh nghiệp đại chúng.

Doanh nghiệp được đánh giá là “an toàn” về chất lượng thông tin trên truyền thông khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Trong giai đoạn nghiên cứu năm nay, tỷ lệ doanh nghiệp trong nghiên cứu của Vietnam Report đạt được các ngưỡng này thấp hơn hẳn so với các giai đoạn trước đó.

Chỉ có 67,4% doanh nghiệp đạt ngưỡng “an toàn”; trong khi đó, năm 2022 và 2021, tỷ lệ này lần lượt là 87,8% và 91,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp đạt ngưỡng “tốt nhất” cũng co hẹp lại đáng kể so với 2 năm trước, chỉ đạt 54,7% so với mức 79,3% và 82,9%. Nguyên nhân của sự co hẹp tỷ lệ doanh nghiệp đạt hiệu quả về chất lượng thông tin bắt nguồn từ các sai phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng, làn sóng tin đồn thất thiệt… Mặc dù những sai phạm, tin đồn chỉ xảy ra đối với một số nhóm doanh nghiệp nhất định nhưng đã tạo ra “hiệu ứng domino”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý nhà đầu tư và công chúng.

Chỉ tính riêng nhóm chủ đề liên quan đến Hình ảnh/ PR/ Scandals, nhìn chung toàn thị trường, chênh lệch tỷ lệ tin tích cực và tiêu cực theo tháng có những thời điểm rơi xuống dưới mức an toàn hoặc sụt giảm nghiêm trọng từ mức cao của tháng trước đó, chẳng hạn như các tháng 4, 7, 9 và 12 của năm 2022. Dễ dàng nhận thấy nỗ lực của doanh nghiệp và thị trường kéo tỷ lệ này về mức an toàn vào những tháng ngay sau đó dù vẫn luôn bị giằng co, tăng - giảm liên tục. Cũng cần lưu ý rằng tỷ lệ này có xu hướng giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2023. Dẫu vậy, điểm đáng mừng là giá trị trung bình chênh lệch tỷ lệ tích cực - tiêu cực vẫn luôn được giữ ở ngưỡng tốt nhất (trên 20%) ngay cả trong những giai đoạn thị trường ảm đạm nhất.

VIX50 2023_TCBC_Hinh 4

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding doanh nghiệp Đại chúng tại Việt Nam, từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2023

Trong quan hệ nhà đầu tư, quản trị truyền thông, có thể thấy Bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả (VIX50) do Vietnam Report công bố có vai trò quan trọng giúp đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của các công ty đại chúng, tăng cường sự minh bạch trên thị trường chứng khoán. Bảng xếp hạng VIX50 vừa là thước đo uy tín và hiệu quả của các công ty đại chúng, vừa là mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng đến và giữ vững, nằm trong mục tiêu chung là khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi và phát triển.

 Vietnam Report

 

 

  




;

Văn bản gốc


;