Tin tức

Trang chủ » » Tăng trưởng ấn tượng, chuyển biến môi trường đầu tư

Tăng trưởng ấn tượng, chuyển biến môi trường đầu tư

22/05/2018

Chuyên mục: Tin tức In trang

13 chỉ tiêu lớn được giao năm 2017 đều đạt và vượt, GDP quý 1/2018 tăng cao nhất trong 10 năm, lạm phát được kiểm soát, xếp hạng môi trường kinh doanh tăng vượt bậc... là những chỉ báo cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước khá tích cực, nhiều gam màu sáng.

GDP tăng cao nhất 10 năm

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017 có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn so mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (đã báo cáo 6,7%), kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% (đã báo cáo 14,4%) và xuất siêu 2,9 tỉ USD (đã báo cáo nhập siêu 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu).
 
Bước vào năm 2018, với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, các bộ, ngành, địa phương đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý đối với từng ngành, lĩnh vực và thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện. Song song với tăng trưởng, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng năm 2018 tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34.
 
Chính phủ đánh giá, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỉ USD.
 
Một trong những điểm nổi bật của nền kinh tế đất nước được Phó thủ tướng đề cập là GDP quý 1/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Đáng chú ý, xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng lớn được ký kết, tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỉ USD, tăng 19%. Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 21,8%. Đã mở thêm thị trường xuất khẩu cho một số hàng nông sản như vú sữa, thanh long, vải, chôm chôm, thịt gà… Riêng mặt hàng gạo tăng 22,3% về lượng và 38,3% về kim ngạch, giá bán tốt hơn, có lợi cho nông dân.
 
Doanh nghiệp hồi sinh
 
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ; đã rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp... Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân đạt mức cao nhất kể từ khi thực hiện vào năm 2005 đến nay.
 
Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường... Trong 4 tháng, có trên 41.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới và trên 11.000 DN hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung đạt trên 1,16 triệu tỉ đồng.
Đặc biệt, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện đáng kể; phong trào khởi nghiệp, hoạt động phát triển DN khởi sắc. Xếp hạng môi trường kinh doanh của VN năm 2017 tăng 14 bậc, xếp thứ 68/190 quốc gia được xếp hạng.
 
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
 
Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng và ấn tượng trong năm 2017, song Chính phủ cũng lưu ý nền kinh tế nước ta vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu; tăng trưởng công nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tăng trưởng về số lượng DN, vốn đầu tư và lao động, trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế; kinh tế trong nước tiếp tục phụ thuộc lớn vào DN FDI; cung cầu nông sản còn yếu; buôn lậu, gian lận thương mại chưa được xử lý dứt điểm…
 
Về tình hình năm 2018, Chính phủ đánh giá đây là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH cho cả giai đoạn 2016 - 2020, với nhiệm vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 đạt khoảng 6,5 - 6,7%, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu trung và dài hạn là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế.
 
Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DN nhà nước, thoái vốn nhà nước theo kế hoạch đã được phê duyệt. Sớm kiện toàn tổ chức bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Tạo chuyển biến căn bản trong xử lý các DN, dự án thua lỗ, có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, xử lý nghiêm lãnh đạo các DN nhà nước vi phạm các quy định về công bố thông tin, tài chính, kế toán. Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia cơ cấu lại DN nhà nước. “Thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế có tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
 
Đặc biệt, Chính phủ cam kết khẩn trương triển khai ngay các chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN và người dân, nhất là trong các hoạt động logistic, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh.
 
Theo Báo Thanh Niên 
 
 
  




;

Văn bản gốc


;