Góc kinh điển

Trang chủ » » Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu

Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu

10/11/2021

Trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đang cố gắng phục hồi trở lại thì sự xuất hiện của biến thể Delta đã khiến bức tranh này có thêm vài gam màu xám. Hơn nữa, trong khi xu hướng toàn cầu hóa vẫn đang tiếp tục phát triển nhưng theo nhiều chiều hướng trái ngược, thì cơ hội - thách thức của cách cuộc mạng công nghiệp 4.0 hay các vấn đề về an ninh truyền thống và phi truyền thống đều tăng ở cả cấp độ lẫn quy mô.

Bối cảnh biến động toàn cầu

Đại dịch COVID-19 đã gây ra suy thoái kinh tế nặng nề trên toàn thế giới, thậm chí còn sâu rộng hơn cả cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu năm 2008-2009. Cuộc suy thoái này xuất phát từ sự khủng hoảng về sức khỏe, mạng sống con người và tới nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc với hơn 400.000 ca nhiễm mới, trong đó, Đông Nam Á là 50.000 ca. Khủng hoảng COVID-19 đòi hỏi mỗi quốc gia phải lựa chọn các phản ứng chính sách mạnh liên quan tới các hoạt động kinh tế, y tế và các gói an sinh xã hội kèm theo; điều này khiến các nước đang trong tình trạng kinh tế bấp bênh gặp nhiều thách thức. Ngoài các biện pháp mang tính đánh đổi giữa kinh tế và y tế, thì triển khai nhanh tiêm chủng vắc-xin và tạo được miễn dịch cộng đồng là điều kiện lý tưởng để thế giới hoạt động bình thường trở lại. COVID-19 đã làm trầm trọng hơn vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, khiến thiệt hại kinh tế trở nên dai dẳng trong khi những biến chủng mới vẫn có thể xuất hiện và tồi tệ nhất là có khả năng kháng lại vắc-xin. Tương lai của Thế giới vẫn rất khó dự báo vì khả năng tự điều chỉnh của mỗi nền kinh tế là khác nhau; đặc biệt biến chủng Delta có thể khiến tốc độ phục hồi kinh tế bị chậm lại trong năm 2021-2022. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2021 sẽ đạt dưới 6% với trở ngại lớn nhất là “sự mất cân bằng lớn về vắc-xin”.

Những biến động trên toàn cầu. Nguồn: Vietnam Report

Xu hướng xây dựng nền kinh tế số - xã hội số

Khái niệm kinh tế số hiện nay không còn quá xa lạ vì các hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ trên thế giới đều đang đẩy mạnh quá trình số hoá này; đặc biệt tăng trưởng trong các ngành sản xuất tập trung tri thức, tập trung vốn. Có thể thấy những ứng dụng của kinh tế số hàng ngày bao gồm: thương mại điện tử xuyên biên giới, bán lẻ trực tuyến, đồng tiền ảo, nền tảng công nghiệp số, học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, làm việc từ xa, vận chuyển, giao nhận, quảng cáo trực tuyến… ngày càng phát triển nhiều phiên bản hơn để đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho con người.

Xu hướng kinh tế số còn đặc biệt phát huy tác dụng trong thời kỳ giãn cách xã hội và hiện đang phát triển tập trung vào công nghệ 5G, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), máy học, quy trình sản xuất tự động hoá, công nghệ in 3D.... Các Cổng Chính phủ điện tử cũng được tích cực triển khai với các dịch vụ trực tuyến tích hợp công nghệ tiên tiến. Việt Nam cũng được dự báo có tốc độ tăng trưởng kinh tế số lạc quan trong khu vực với Chương trình chuyển đổi số quốc gia (Quyết định số 749/QĐ-TTg) được Chính phủ chính thức phê duyệt vào tháng 6/2020 - thể hiện quyết tâm xây dựng kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số tại Việt Nam.

Nguồn: Vietnam Report

Đứt gãy chuỗi cung ứng trên thế giới có thể dẫn tới định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu

Sự đứt gãy của chuỗi giá trị toàn cầu đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế bằng cách cho phép các nước đang phát triển trở nên chuyên môn hóa, từ đó tăng trưởng cũng như tạo thêm những cơ hội việc làm. Tuy nhiên, sự xuất hiện của COVID-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có với chuỗi giá trị toàn cầu là sự gián đoạn ở cả nguồn cung và nguồn cầu hàng hóa. Bên cạnh đó, những dự báo về sự dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng đã tạo thêm động lực để các doanh nghiệp định hình lại chuỗi cung ứng của chính mình. Tuy nhiên, chi phí để tiến hành một đợt dịch chuyển dù chỉ một phần hay toàn bộ chu trình sản xuất sang một nước khác rõ ràng là rất tốn kém; đặc biệt trong thời điểm suy thoái kinh tế như hiện nay thì chiến lược Trung Quốc + 1 dường như khả thi nhất.


 

Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021 trước những biến động trên thế giới

Toàn cảnh thị trường qua VIX50. Nguồn: Vietnam Report

Là một quốc gia hội nhập quốc tế sâu rộng và có độ mở nền kinh tế lớn nên Việt Nam cũng nhạy cảm hơn với những biến động từ bên ngoài. Biến thể Delta đã làm trật bánh quá trình phục hồi của hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tăng trưởng GDP đạt giá trị dương nhưng thấp nhất trong hai thập kỷ: nửa đầu năm 2021, GDP phục hồi với mức tăng 5,64% do được hỗ trợ phần lớn bởi sự mở rộng thương mại. Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 bắt đầu từ tháng 4 với biến thể Delta đã làm thắt chặt nguồn cung lao động, hạ thấp sản lượng công nghiệp và phá vỡ chuỗi giá trị nông nghiệp. Kết quả, đến hết quý III/2021, GDP giảm sâu nhất lịch sử với 6,17%, chủ yếu đến từ hai nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP là ngành dịch vụ và công nghiệp-xây dựng… Tính chung 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 1,42%, trong đó, mức tăng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74% - đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57% - đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69% - làm giảm 22,05%.

Doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng, kéo theo việc làm và thu nhập giảm mạnh: so với cùng kỳ năm trước, trong 9 tháng đầu năm, 45,1 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn - tăng 16,7%; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể - tăng 17,4%. Bình quân mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Việc đóng cửa và hạn chế đi lại đã làm gián đoạn sự di chuyển của lao động và cản trở sản xuất. Hậu quả, 12,8 triệu người bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập giảm đã làm giảm tốc độ tăng trưởng tiêu dùng tư nhân xuống còn 3,6% trong nửa đầu năm 2021 chỉ nhỉnh hơn 0,2% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Lao động và việc làm sụt giảm mạnh ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đều sụt giảm.

Thời gian mất việc làm của người tham gia khảo sát trong tháng 8/2021 (Đơn vị: %). Nguồn: Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân

Thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ gặp cú sốc lớn: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ; ngành bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2020, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Mỗi loại hàng hóa lại chịu những tác động giá khác nhau. Cụ thể, giá xăng dầu dù được điều chỉnh tăng hai lần vào ngày 10/9/2021 và ngày 25/9/2021 nhưng do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm ngày 26/8/2021 nên bình quân chung tháng 9/2021 giá xăng dầu giảm, giá nông sản chỉ thay đổi nhẹ trong khi giá máy in, máy chiếu, máy quét tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội (lần lượt tăng 0,3%; tăng 0,29% và tăng 0,46%).  

Tăng trưởng tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng (Đơn vị: %). Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Xuất siêu quay trở lại, cắt đứt chuỗi thâm hụt thương mại liên tiếp trong 5 tháng (tháng 4 đến tháng 8): Sau 5 tháng liên tiếp nhập siêu, cán cân thương mại đổi chiều đã xuất siêu 500 triệu USD trong tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như Điện thoại và linh kiện với 99,1%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%; giày dép chiếm 80,5% ... Đây là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay.

 

Tăng trưởng xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2021 (Đơn vị: %). Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Thu hút vốn đầu tư FDI vẫn tăng tích cực với 4,4% trong 9 tháng - tương đương 22,15 tỷ USD: Trong 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam thì Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước đầu tư nhiều nhất. Đáng chú ý là hai dự án lớn được cấp phép là Nhà máy điện LNG Long An I, II của Singapore và Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký lần lượt là trên 3,1 tỷ USD và hơn 1,31 tỷ USD. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, những tháng gần đây, một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, khiến FDI giải ngân 9 tháng ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát ở mức thấp và tỷ giá ổn định: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 quý đầu năm chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức tăng bình quân thấp nhất kể từ năm 2016. Bình quân 9 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức tăng CPI, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Đồng thời, từ khi COVID-19 xuất hiện vào tháng 3/2020, NHNN hầu như không có hoạt động điều tiết trên thị trường mở, dòng tiền vẫn được bơm thông qua kênh ngoại tệ giúp trạng thái thanh khoản dồi dào được duy trì trong hệ thống ngân hàng chung. Hơn nữa, nhiều lần NHNN điều chỉnh giảm các mức lãi xuất điều hành, tăng hạn mức tín dụng khiến các mức lãi suất huy động và cho vay cũng giảm ở các mức độ khác nhau. Tính đến cuối tháng 9/2021, lãi suất cho vay giảm 0,55%/năm trong khi lãi suất huy động giảm 6-20 điểm cơ bản cho kỳ hạn 12 tháng trong 9 tháng đầu năm 2021, chưa kể các gói vay lãi xuất thấy với cho các nhóm ngành như hàng không, du lịch, hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin: Tốc độ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 tiếp tục được đẩy nhanh trong tháng 9 với tổng số 33 triệu liều được tiêm, trung bình 745 nghìn liều/ngày. Tuy vậy, tỷ lệ tiêm chủng của nước ta vẫn thấp nhất so với khu vực và thế giới, tính đến ngày 10/10/2021, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 16% dân số trong khi tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi đạt khoảng 40%.

Mục tiêu chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Việt Nam. Nguồn: VTVNews

 

Vietnam Report

Theo VNR500

 

  




;

Văn bản gốc


;