Góc nhìn Chuyên gia

Trang chủ » » Môi trường đầu tư của Việt Nam đang được cải thiện đáng kể

Môi trường đầu tư của Việt Nam đang được cải thiện đáng kể

10/12/2015

Môi trường đầu tư của Việt Nam đang được cải thiện đáng kể, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến việc tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Họ hiểu rằng, Việt Nam thực sự cạnh tranh hơn so với các nước khác.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 và môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay?

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam không có quá nhiều biến động trong 6 tháng đầu năm vừa qua. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang hoạt động rất tốt. Về chỉ số tín dụng, thanh toán, tỷ giá hối đoái hay thậm chí là tỷ lệ cho vay cũng đều được duy trì ổn định. Có được điều này là do các chính sách của Nhà nước được đưa ra kịp thời nhằm giải quyết các vấn đề vĩ mô như nợ xấu, và sự thiếu hiệu quả trong hoạt động của một số doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn thực sự khó khăn. Các vấn đề liên quan đến ngân hàng vẫn là mối quan ngại sâu sắc. Các ngân hàng vẫn còn cầm chừng trong hoạt động cho vay và thực tế là họ có rất nhiều lý do để làm như vậy. Kinh tế Châu Âu thời gian vừa qua vẫn thực sự ảm đạm. Kinh tế Trung Quốc cũng đang trong đà giảm tốc và hơn hết chúng ta đều biết kinh tế Việt Nam có mối liên kết chặt chẽ với kinh tế Trung Quốc và mối liên kết này sẽ càng trở nên chặt chẽ hơn trong nhiều năm tới. Do vậy, nếu kinh tế Trung Quốc suy giảm thì kinh tế Việt Nam sẽ khó tránh khỏi những tác động này.

Tuy nhiên, Việt Nam thực sự được hưởng lợi rất nhiều khi các chi phí ở Trung Quốc đang trở nên đắt đỏ. Rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh vì chi phí tại Việt Nam thực sự rẻ hơn so với Trung Quốc.

Theo tôi, đánh giá kinh tế Việt Nam và môi trường kinh doanh thời gian qua bao gồm 2 mảng chính. Mảng thứ nhất là các vấn đề trong nước, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tạo ra nguồn doanh thu, cũng như trong việc phát triển. Mảng thứ hai liên quan đến các yếu tố nước ngoài, đó là mảng sản xuất phục vụ xuất khẩu, lĩnh vực này hiện đang rất phát triển tại Việt Nam, đó là các nhà máy hoạt động rất hiệu quả, ví dụ như các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc tìm kiếm các cơ hội phát triển ở Việt Nam do chi phí ở Trung Quốc đang trở nên đắt đỏ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh với các nhà máy, cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân công được đào tạo và làm việc chăm chỉ. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng không ngừng cải thiện chất lượng, tạo thêm những giá trị cho sản phẩm khiến cho ngành xuất khẩu của Việt Nam trở nên mạnh mẽ và bùng nổ. Hơn thế nữa, họ không cần phải vay vốn quá nhiều từ các ngân hàng lớn, họ chủ yếu sử dụng nguồn lực tài chính của mình. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Hiện nay, một số các doanh nghiệp nước ngoài như Samsung Electronics đã quyết định lựa chọn Việt Nam như một điểm đầu tư để xây dựng nhà máy sản xuất. Một vài trong số họ có thể đã chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, ông nghĩ sao về điều này? Liệu đó có phải là một dấu hiệu tốt đối với môi trường đầu tư của Việt Nam?

Tôi nghĩ môi trường đầu tư của Việt Nam đang được cải thiện đáng kể, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến việc tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Họ hiểu rằng, Việt Nam thực sự cạnh tranh hơn so với các nước khác. Ví dụ như Samsung, họ thực sự có thể quyết định đầu tư tại Indonesia, Malaysia, nhưng họ đã đến Việt Nam với một lý do duy nhất chính là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Tôi muốn làm rõ 2 điều ở đây.

Điều thứ nhất đó là, trước kia, chúng ta nói nhiều hơn tới xu hướng toàn cầu hóa, việc tiếp cận thị trường. Chúng ta thỏa thuận để tiếp cận thị trường. Đó là xu hướng cũ đối với hàng hoá cuối cùng và dịch vụ. Ngày nay, hầu hết các xu hướng tập trung vào hàng hóa trung gian. Tôi đến với đất nước của bạn để sản xuất một thứ gì đó và bán nó tại bất cứ đâu trên thế giới chứ không phải để tiếp cận thị trường của bạn. Giống như việc các công ty sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc nhưng lại bán các sản phẩm cuối cùng ở Mỹ hay châu Âu. Việc kinh doanh các hàng hóa trung gian trở nên quan trọng hơn rất nhiều trong vòng 20 năm trở lại đây. Điều này có nghĩa là bạn có được công việc sản xuất các sản phẩm của Samsung. Samsung sản xuất những thứ đó không chỉ cho thị trường Việt Nam mà cho toàn bộ thị trường châu Á. Và bạn là người duy nhất có được những công việc ấy bởi bạn cạnh tranh hơn chứ không phải để gia nhập thị trường của bạn. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tìm đến một đất nước vì tính cạnh tranh và sự thu hút chứ không phải vì việc tiếp cận thị trường. Nếu bạn nhận ra được điều đó, bạn sẽ làm mọi thứ để khiến mình trở nên thu hút hơn. Bạn cần phải có nhân công tốt và rẻ, cơ sở hạ tầng tốt, các bộ luật thương mại và quyền sở hữu chặt chẽ, minh bạch... Việt Nam nhận thức rất rõ lợi ích của tính cạnh tranh trong môi trường đầu tư hiện đại và đang làm mọi thứ để phát triển nó.

Điều thứ hai đó là Việt Nam vẫn đang tư duy một cách rất chung chung mà chưa có tính chiến lược. Ngày nay, mọi thứ đều phát triển theo định hướng toàn cầu, Việt Nam cần phải nghĩ đến việc làm thế nào để trở thành một trong số đó. Chúng ta cần phải xây dựng, phát triển những khu công trình, nhà máy, cảng mang tầm cỡ khu vực và thế giới với quy mô lớn tại những nơi có diện tích đủ rộng như miền Trung Việt Nam. Việt Nam thực sự cần phải nghĩ một cách chiến lược hơn về việc kinh doanh ở đâu và bằng cách nào chúng sẽ trở nên gắn kết hơn với Thế giới.

Ông đánh giá như nào về việc sửa đổi Luật Đầu Tư của Việt Nam trong thời gian vừa qua?

Đó là một hướng đi đúng đắn. Tất cả những sửa đổi đều theo hướng tích cực, nhưng dường như chỉ tác động nhiều đến khối doanh nghiệp FDI. Có một số người cho rằng việc thay đổi điều luật cho phép người nước ngoài có thể mua và sở hữu bất động sản tại Việt Nam dễ dàng có tác động và nhanh chóng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế thì không hẳn như vậy. Không có sự thay đổi luật nào lại dễ dàng có ảnh hưởng đến cả một nền kinh tế, nhưng chắc chắn sẽ có những tác động từng bước một. Ví dụ như việc đăng ký kinh doanh trở nên nhanh chóng hơn, các quyền sở hữu cũng được đảm bảo hơn và cải thiện hệ thống pháp lý cũng như việc thi hành luật phần nào cũng tác động tích cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Việc thay đổi các quy định trong một bộ luật cũng không phải là điều dễ dàng, hơn thế nữa những bộ luật ở Việt Nam hiện nay dường như mới chỉ mang nặng tính văn bản chứ vẫn chưa được thực thi một cách nghiêm túc. Chính vì vậy, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đền việc thi hành luật.

Tháng trước, một trong những sự kiện đình đám của ngành công nghệ thông tin Việt Nam đó là sự kiện ra mắt sản phẩm điện thoại B-phone của Công ty BKAV. Đây là một ví dụ điển hình đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm bằng chính nguồn lực của mình. Ông nghĩ sao về quan điểm Chính phủ Việt Nam cần có những hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân như BKAV và nên có những chính sách hỗ trợ thêm cho Doanh nghiệp tư nhân trong việc phát triển thương hiệu của họ tại nước ngoài?

Đầu tiên với quan điểm hỗ trợ Doanh nghiệp tư nhân, nếu là hỗ trợ về mặt chi phí thì tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ rằng BKAV là một công ty tư nhân và họ phải tự chi trả cho những hoạt động của mình. Họ đang kinh doanh và phát triển theo chiến lược của họ. Nhiệm vụ của Chính phủ sẽ là tạo ra một môi trường kinh doanh tốt, hỗ trợ về mặt pháp lý, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp chứ không phải hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính.

Với vấn đề thứ hai liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển tại nước ngoài. Tôi nghĩ những gì Chính phủ nên làm đó là hỗ trợ thông qua Đại sứ quán và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Các cơ quan này cần chủ động và giúp đỡ các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ về mặt pháp lý, vận động hành lang, hoặc những công việc mà các chính phủ có thể giải quyết với nhau.

Trân trọng cảm ơn Ông đã tham gia buổi phỏng vấn với Vietnam Report!

 

  




;

Văn bản gốc


;