Góc nhìn Chuyên gia

Trang chủ » » "Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2015 là rất sáng sủa"

"Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2015 là rất sáng sủa"

10/12/2015

Bài phỏng vấn của Vietnam Report với Chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Ông đánh giá như thế nào về những kết quả mà nền kinh tế Việt Nam đã đạt được trong nửa đầu năm 2015?

Những kết quả kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong nửa đầu năm 2015 là rất tích cực. Ngoài các chỉ tiêu kinh tế được công bố chính thức như tăng trưởng GDP, chỉ số giá..., những kết quả hay chỉ số phân tích khác về niềm tin của người tiêu dùng hay việc chi tiêu của các doanh nghiệp cho thấy một bức tranh khá sáng về kinh tế Việt Nam. Những kết quả này có được là nhờ sự nhất quán trọng việc chuyển trọng tâm chính sách vào ổn định vĩ mô thay vì tăng trưởng cao từ năm 2011 của Chính phủ. Thêm vào đó, những giải pháp cụ thể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, khả năng cạnh tranh của Việt Nam, nhất là tập trung vào một số dịch vụ công như thuế, hải quan ... cũng có những tác động tích cực. Nói tóm lại, sự đối nghịch trong các kết quả kinh tế thời gian qua cho thấy, khi mục tiêu tăng trưởng được đặt ra với vai trò chủ động của Nhà nước thì rắc rối hay bất ổn vĩ mô xảy ra. Ngược lại, khi nhà nước chỉ tập trung vào ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh thì kinh tế lại tăng trưởng tốt và vĩ mô được ổn định. Những kết quả này cho thấy rõ sự phân định chức năng giữa nhà nước và thị trường.

Ông nhận định ra sao về triển vọng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2015? Với triển vọng đó liệu Việt Nam có đạt được mức tăng trưởng GDP 6,2% như kế hoạch đề ra không?

Với những nền tảng hiện có, triển vọng kinh tế sáu tháng cuối năm ở Việt Nam là rất sáng sủa. Khả năng đạt được mức tăng trưởng kinh tế như kế hoạch đề ra của năm 2015 là gần như chắc chắn. Tuy nhiên, nhìn dài hơn một chút thì sẽ thấy những nút thắt cơ bản của thể chế, hạ tầng và nguồn lực vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Đây cũng là ba đột phá được đặt ra trong Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011. Những giải pháp hay hành động cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ trong thời gian qua như Nghị quyết 19 năm 2014 và 2015 như những làn gió mới làm cho môi trường kinh doanh, các hoạt động kinh tế trở nên thông thoáng hơn. Tuy nhiên, những giải pháp hay cải cách mạnh mẽ và sâu rộng hơn vẫn là kỳ vọng hiện nay. Hy vọng điều này sẽ được thực hiện trong năm 2015-2016, thời điểm của Đại hội XII và khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng hơn với TPP.

Theo Ông, trong 6 tháng tới, những thách thức nào được đặt ra đối với sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam?

Sự biến động của kinh tế thế giới, nhất là khả năng tăng giá của đồng đô-la mà một cách gián tiếp làm cho VND tăng giá làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam. Với việc công bố chính sách giới hạn việc tăng tỷ giá mà hiện tại đã hết giới hạn này sẽ đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước những khó khăn và thách thức rất lớn nếu đồng đô-la tiếp tục tăng giá. Khả năng TPP có thành hiện thực hay không cũng sẽ tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế và kinh doanh toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng. Nếu TPP không thành hiện thực thì khả năng sẽ là một cú sốc ngược rất lớn. Ngược lại, sự hồ hởi và các cơ hội sẽ gia tăng.

Việt Nam đang tiến gần hơn tới các thỏa thuận thương mại tự do, theo Ông, điều đó đem lại những cơ hội và thách thức gì đối với tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam?

Nhìn chung tự do thương mại là có lợi cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ những quốc gia, địa phương biết tận dụng các cơ hội, tập trung vào các lĩnh vực mà mình có lợi thế so sánh hoặc lợi thế cạnh tranh thì mới dành được phần nhiều hơn. Việt Nam đã có hai bài học tương phản về kết quả của hội nhập và tự do hóa thương mại. Kinh tế Việt Nam đã được hưởng lợi rất nhiều với các tác động tích cực từ Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ vào năm 2001. Trái lại, cho dù được kỳ vọng rất lớn nhưng việc gia nhập WTO năm 2007 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực cho Việt Nam trong thời gian qua hơn là những kết quả tích cực. Nói một cách cụ thể đối với hoạt động xuất nhập khẩu, tự do thương mại nhìn chung sẽ đem lại lợi ích cho hoạt động xuât khẩu của Việt Nam. Lúc đó, việc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam sẽ dễ dàng hơn và cũng có nghĩa là đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm cung ứng cho thị trường nội địa đối với các hàng hóa dịch vụ có thể nhập khẩu sẽ khó khăn hơn.

Trân trọng cảm ơn Ông đã tham gia buổi phỏng vấn với Vietnam Report!

  




;

Văn bản gốc


;